Bàn về sự nghỉ ngơi

Trong bài viết này, học giả Nguyễn Hiến Lê đã bàn về sự nghỉ ngơi và thú "nhàn" trong cuộc sống. Muốn nhàn, trước hết phải biết tri túc. Nếu ta không thấy Thiên Đường ngay trên trái đất này thì sẽ không thấy nó ở đâu cả.

Trong cuốn L’importance de vivre, Lâm Ngữ Đường chê người Mỹ không biết nghệ thuật sống. Ông bảo:
“Ba tật lớn của người Mỹ là tính làm việc có hiệu năng, tính đúng giờ và tính muốn thành công. Những tính đó làm cho họ rất khổ sở và rất quạu quọ. Nó ăn cắp của họ cái quyền không thể nhượng được là quyền thơ thẩn và làm cho họ mất những buổi chiều nhàn rỗi tuyệt thú”.

Nhưng ít hàng sau ông lại nhận rằng những tính xấu đó không phải là không có lợi cho người khác, chẳng hạn cho chính ông: 

“Tôi đồng ý rằng nhờ tính làm việc có hiệu năng mà chúng ta có được những vật chế tạo khéo léo. Bao giờ tôi cũng tin những cái vòi nước chế tạo ở Mỹ hơn là những cái vòi chế tạo ở Trung Hoa vì những vòi nước Mỹ không dỉ nước. Từ hồi xưa đã có người khuyên rằng hết thảy chúng ta phải là người có ích, làm việc đắc lực, thành những công chức và có quyền lực, nhưng từ hồi xưa cũng đã có người trả lời rằng ở đời không khi nào thiếu những kẻ ngu dại muốn được thành người có ích, bận việc và có quyền lực, và dù làm cách này hay cách khác thì việc đời cũng làm xong. Chỉ có một điều cần hỏi: là kẻ thơ thẩn với kẻ cặm cụi, thì kẻ nào khôn hơn. Chúng ta trách cách làm việc có hiệu năng không phải ở chỗ tính đó giúp ta làm nên việc, mà ở chỗ nó ăn cắp thì giờ của ta, không cho ta được rảnh rang để hưởng đời, làm cho thần kinh của ta căng thẳng vì chỉ đau đáu muốn làm cho được những vật hoàn toàn”.

Nhưng nếu sống cái đời đa số các nhà kinh doanh Âu Mỹ, nhất là Mỹ, suốt năm chỉ đau đáu lo thành công, lúc nào cũng tìm cách tăng năng suất, công việc gì cũng dự tính hàng tháng trước, không hề trễ một giờ, phí một phút, không có thì giờ để xả hơi nữa thì dù có thành công cũng chết sớm vì bệnh đau gan, đau tim, đau bao tử, đau thận và các bệnh thần kinh. Thái độ luộm thuộm “xính-xái” được thế nào hay thế nấy, ở thời này tất nhiên không hợp mà thái độ của người Mỹ “đặt hành động lên trên con người”, coi hành động trọng hơn con người, cũng không phải là khôn.

Phải biết dung hòa, khi làm việc thì phải làm cho đắc lực, phải phác họa chương trình, dự tính thời giờ, và ráng theo chương trình; và ngoài giờ làm việc phải nghỉ ngơi, di dưỡng tính tình. Nghỉ ngơi cũng cần thiết như làm việc vì có nghỉ ngơi rồi mới làm việc được; cho nên tôi có thể nói rằng nghỉ ngơi là một cách làm việc. 

Thực ra chỉ trong những lúc ngủ, ta mới được nghỉ ngơi hoàn toàn. Những lúc thức thì dù không làm việc gì óc ta cũng suy nghĩ. Một người thợ mộc ngừng tay bào để hút điếu thuốc, nhưng trong lúc nghỉ đó, óc vẫn hướng về công việc, tính trước bào xong miếng đó sẽ làm gì, lưỡi bào đã phải mài lại chưa, chỗ ván nào dày quá hoặc chưa nhẵn, còn phải bào thêm... Những người làm việc tinh thần cũng vậy: ngừng cây bút để đọc một mục báo, một trang sách thì tuy nói là nghỉ mà đâu có được nghỉ; nếu ra vườn nhổ cỏ hay cuốc vườn thì chân tay lại phải vận động. Vậy ngủ mới thực là nghỉ ngơi và giấc ngủ là quan trọng nhất. Những người thần kinh yếu cần ngủ nhiều hơn những người bình thường. Trung bình phải bảy, tám giờ một ngày mới đủ. Một giấc ngủ trưa rất ngắn, nửa giờ hay mười lăm phút cũng có lợi nhiều cho sức khỏe. Nếu không ngủ được thì duỗi tay duỗi chân, nằm trong chỗ tối, không cử động, rán đừng suy nghĩ tới cái gì, rồi thở đều đều, nhè nhẹ.

Một điều bạn nên nhớ nữa là đừng đợi tới lúc thật mệt rồi mới nghỉ; sắp thấy mệt thì nghỉ trong năm mười phút rồi lại tiếp tục làm, như vậy năng suất cao hơn là làm một hơi cho thật mệt rồi nghỉ lâu. Các nhà chuyên môn về cách tổ chức công việc đã thí nghiệm và khuyên ta như vậy. Các nhà kinh doanh, các chính khách phải làm việc nhiều cũng thường áp dụng cách đó: họ để bên cạnh chỗ làm việc một cái ghế dài, lâu lâu họ ngã lưng một chút.

Dale Carnegie trong cuốn Quẳng gánh lo đi và vui sống đã chứng thực rằng sự chán nản làm cho ta sinh ra mệt mỏi. Một bà cô tôi quen không biết có bị bệnh đau tim hay không, có bác sĩ nói có, có bác sĩ lại bảo không, hễ hơi vận động một chút như quét nhà, làm bếp là kêu mệt; nhưng có hồi đánh bài bạc suốt ngày, hết tháng này qua tháng khác mà không thấy mệt, sức khoẻ có phần lại dồi dào lên.

Vậy đã phải làm công việc nào thì dù không thích nó cũng rán kiếm cách làm cho nó vui; ráng mà không được thì bỏ quách nó đi, bỏ không được thì thay đổi công việc, nghĩa là tạm ngưng nó lại trong một lúc để làm công việc khác. Thay đổi công việc không phải là nghỉ ngơi, nhưng đó là một cách làm cho ta vui, nhờ vui mà khỏe mạnh. Cho nên tôi chủ trương rằng ai cũng nên có một nghề thứ nhì để tiêu khiển.

Nhà giáo dạy học chán rồi có thể viết sách; nhà văn có thể dạy học thêm, có chút khiếu thì có thể học nhạc, và bất kỳ ai có một miếng đất nhỏ cũng có thể làm vườn, nuôi gà vịt.
Cái lợi sẽ rất lớn, trước hết, như tôi đã nói, đời sống của ta vui lên nhờ thay đổi công việc, ta lại có thể tiết kiệm được một số tiền dùng vào những tiêu khiển khác như coi hát, đánh bi da. Nhiều khi nghề thứ nhì còn giúp ta kiếm thêm được tiền và tôi biết nhiều người đã đổi nghề thứ nhì thành nghề chính; sau cùng, tập một nghề thứ nhì là luyện thêm những khả năng của ta.

Nhưng điều quan trọng nhất tôi muốn thưa với bạn là phải dung hòa hai thái độ của Mỹ và của Trung Hoa, nghĩa là làm việc thì đàng hoàng mà vẫn biết hưởng nhàn, có vậy đời mới còn lạc thú, ta mới vui vẻ sống để giúp người được. Alain, một triết gia hiện đại của Pháp, thầy học cũ của André Maurois, viết một câu mà tôi cho là rất thâm thúy: “Hạnh phúc là một bổn phận”. Nó là bổn phận vì chúng ta có sung sướng thì mới khoan hồng với người, mới làm việc được, mới gây hạnh phúc được cho kẻ thân người sơ, mà cái mục đích của loài người là gì, nếu không phải là gây hạnh phúc cho gia đình, cho xã hội, cho những thế hệ tới sau?

Về phương diện hưởng nhàn thì người phương Tây phải học của người Trung Hoa. Tôi không được biết rõ văn chương Ả Rập; mới được đọc cuốn Robaiyat của Omar Khayyam và cuốn Le Jardin des roses của Saadi, tôi đoán rằng một dân tộc du mục, ngày đêm được ngắm những cảnh mênh mông của vũ trụ, những vòm trời đầy sao, những đồi cát trắng xóa, tất nhận thấy sự nhỏ bé của con người, sự phù du của đời người và tất có nhiều thi sĩ ca tụng cái lạc thú của sự nhàn; nhưng đời sống quá vất vả, nhất là đạo Hồi có tinh thần chiến đấu rất mạnh, không cho họ hưởng được hết cái đạo nhàn như dân tộc Trung Hoa, một dân tộc đã sinh ra được những triết gia như Lão, Trang. Tôi có thể nói rằng thời xưa, nhà nho nào cũng chịu chút ảnh hưởng của Lão, Trang và nếu dân tộc Trung Hoa chỉ có Khổng, Mạnh mà không có thêm Lão, Trang thì không văn minh như vậy được và chắc cũng không khác dẫn tộc Mỹ là mấy.

Một nhà văn Trung Hoa ở thế kỷ XVIII, Thư Bạch Hương nói: “Thì giờ có ích vì nó không dùng vào việc gì. Sự nhàn cũng như một khoảng trống trong một căn phòng”. Khoảng trống đó có dùng vào việc gì đâu, nhưng rất cần thiết: có nó thì nhà cửa mới thích ở, đời sống mới thoải mái, nghỉ ngơi mới được. Cho nên ai có dư tiền cũng mong có một căn nhà rộng rộng một chút, không bề bộn những đồ đạc. “Có những cái tưởng như vô ích mà rất có ích”, lời đó đúng quá.

Một ông bạn tôi chê những bài Hát nói của ta không chứa một tư tưởng gì mới cả, hầu hết chỉ dùng một đề tài là phong hoa tuyết nguyệt. Đúng. Chính vì vậy mà tôi thích những bài đó. Một điệu hát chậm chạp, khoan thai, ung dung, nhàn nhã như điệu hát nói không để diễn những cái thú nhàn thì diễn cái gì bây giờ?

Muốn giảng cái đạo tế thế an dân, tu tề trị bình của Khổng Tử hoặc muốn tả những cảnh thương tâm trong xã hội, những cảnh hùng vĩ nơi biên ải thì thiếu gì thể thơ khác; cổ phong đấy, luật thi đấy, lục bát đấy thơ mới đấy; phô những cái đó vào điệu hát nói làm chi, hòa nó vào tiếng cây đàn đáy và giọng của các “đào nương” làm chi? 

 “Cũng phải xơi ngơi cũng phải chơi,
 Làm người nào phải Phát lo đời?” 

Dù bạn có muốn noi gương Phật mà lo đời thì một cách đắc lực để lo đời là khi làm việc xong phải hưởng cái thú nhàn. Bạn thí nghiệm mà xem. Sau một ngày lo tính mệt nhọc, bạn tắm rửa rồi nằm trên cái ghế dài, bảo trẻ vặn một đĩa hát nói lên nghe trong năm mười phút, có thấy tâm hồn khoan khoái hơn và sau đó, có thấy hăng hái làm việc hơn lên không? Đỡ phải uống những thuốc an thần như Equanil, Miltown của người Mỹ. Tôi nghe nói ở Mỹ, người ta dùng những thuốc đó như cơm bữa. mỗi ngày 3 lần, mỗi lần một viên. Chỉ tại họ không có những Lão, Trang như người Trung Hoa, và không có điệu hát nói như chúng ta. Tôi cũng lấy cái tật của Lâm Ngữ Đường rồi đấy. Muốn giới thiệu văn hóa của ta cho Âu Mỹ, tôi tưởng nên dịch những bài hát nói và thu thanh ít bài cho họ đọc và nghe. Tôi không hiểu tại sao nhạc sĩ Trần Văn Khê không để ý tới điệu đó trong đĩa hát La musique Vietnamienne.

Tôi sẽ chép những bài: Đời người thấm thoát, Uống rượu tiêu sầu, Ngán đời của Cao Bá Quát, Thoát vòng danh lợi, Cầm kỳ thi tửu của Nguyễn Công Trứ, bài Thanh phong minh nguyệt của Ngô Thế Vinh, và mặc dầu có những bài đó rồi, tôi cũng không quên chép thêm bài dưới đây mà tôi cho có lẽ là bài thơ nhàn cuối cùng của một thi nhân còn được cái may là biết hưởng cái thú của một thời nhàn.

CHỮ NHÀN 
Đem hàn mặc mài viên khối lỗi 
Tìm yên hoa gỡ mối giang san, 
Dù ái ưu cũng có khi nhàn, 
Thời tiêu khiển trong cuộc rượu, cung đàn, âu cũng nhã. 
Hãy gác cả vinh nhục, thị phi cùng cổ kim, nhân ngã, 
Đem hạo nhiên mà hể hả với cầm tôn,
Trộm cái nhàn trong túi càn khôn 
Dăm bảy vốc con con thôi cũng đủ. 
Thử tung ra cho nó chảy cồn cồn như nước, bay thong thả như mây, đi lững thững như trăng, thổi thênh thênh như gió.
Rải rác khắp ngoài bát hoang trong lục vũ hãy còn thừa.

ƯU THIÊN BÙI KỶ.

Nhàn, cũng như hạnh phúc, thuộc về nội tâm hơn là ngoại giới. Phải có tâm trạng nhàn rồi mới hưởng được cái nhàn. Cổ nhân nói: “Biết nhàn thì là nhàn rồi, chứ đợi cho được nhàn thì bao giờ nhàn”. Biết nhàn thì ngày nào ta cũng có được dăm ba phút để nhàn: trong bữa cơm chuyện trò với vợ con, trước khi đi ngủ vuốt mớ tóc mây, rờ đôi má phính của trẻ thơ, ngay khi làm việc nữa, hút điếu thuốc nhìn qua cửa sổ mà nhàn ngắm trời cao mây trắng bay trong vài phút, cũng là nhàn rồi; không cần phải đợi có được mươi tỉ bạc, tậu được vài cái biệt thự cho thuê ở Sài Gòn, một cái nhà nghỉ mát ở Long Hải, một cái khác ở Blao, và vài mẫu vườn ở Lái Thiêu rồi lúc đó mới dưỡng lão để hưởng nhàn. Nếu có tâm trạng đó thì dầu được Trời cưng mà nguyện vọng được thỏa thì không thể hưởng nhàn được vì lại phải cặm cụi lo khai thác số vốn của mình để tậu thêm vài cái biệt thự ở Nice nữa.

Vậy muốn nhàn, trước hết phải biết tri túc. Lâm Ngữ Đường chê người phương Tây là những đứa con bạc bẽo của Thượng Đế vì họ đặt ra chuyện Thiên đường đã mất, để chê cõi trần này là xấu xa.

Nếu ta không thấy Thiên Đường ngay trên trái đất này thì sẽ không thấy nó ở đâu cả. Ở trong Nam này không có đủ bốn mùa như ngoài Bắc, nhưng nếu ta không mãn nguyện vì hai mùa mưa và nắng ở đây, nếu đầu mùa mưa nhìn những tán me mơn mởn mà ta không thấy thích, giữa mùa nắng nhìn ánh trăng, lồng lộng trên lòng rạch mà không thấy mê, thì có được bốn mùa hay tám mùa một năm ta cũng không thể vừa lòng được.

Có người bảo chỉ hạng giàu có mới có thể hưởng nhàn còn nghèo khổ thì làm sao mà hưởng nhàn được. Nếu nghèo quá, tới cái mức lo lắng suốt ngày không đủ cơm áo cho vợ con thì cũng khó mà hưởng nhàn được thật, khó hưởng vì hoàn cảnh khó gây được tâm trạng nhàn. Nhưng chính những người giàu có lại ít được hưởng nhàn nhất, vì họ lo làm giàu thêm, lo có quyền cao chức trọng thêm; rốt cuộc chỉ những người đủ ăn, vô cầu, biết tri túc là dễ hưởng nhàn hơn cả.

Cái nhàn thực ra là cái tiêu khiển rẻ tiền nhất. Đâu có mất tiền mua vé hạng nhất hạng nhì để được ngắm mây bay trên trời, nghe chim hót trên lá, nhìn hoa nở đầu tường? Tôi biết ở Sài Gòn này khó kiếm được một miếng vườn lắm, nhưng bạn có thể kiếm một chậu cây nhỏ trồng một cây lựu kiểng đỏ. Thứ này bông nhiều, có trái, nhưng ăn không được, chỉ để chưng. Tôi thích loài lựu lắm: lá nó lăn tăn mà bóng lấp lánh dưới ánh nắng và ánh trăng, lúc nó còn non thì đỏ tươi, trái nó rất nhã mà màu đỏ của hoa thì tuyệt đẹp. Nhìn nó nở ở đầu tường, nhìn bóng nó chiếu lên tường, thấy nhẹ nhàng tâm hồn. Mà có tốn kém gì đâu?

Bạn chê nó không thơm? Bạn lại mắc cái bệnh của cổ nhân nào đó hận rằng hải đường không hương và cá cháy nhiều xương rồi. Thì hãy cứ ngắm cái sắc của lựu đi, rồi muốn có thêm hương, ai cấm bạn trồng thêm một giò huệ.

Vậy, nếu có tinh thần tri túc thì ta sẽ thấy trên thế giới này vô số cái đẹp không tốn tiền cho ta hưởng. Bạn cho đời bạn buồn tẻ ư? Xin bạn nghe Lâm Ngữ Đường: “Chắc chắn là không ai có thể bảo rằng đời sống trên cõi này tẻ nhạt, không có gì thay đổi. Thời tiết thay đổi như vậy, màu sắc của trời thay đổi như vậy, trái cây thì thơm tho ngọt ngào, mùa nào thức nấy, hoa thì thay nhau nở quanh năm, như thế mà còn có người không được thoả mãn thì người đó nên tự tử đi, còn hơn là theo đuổi một cảnh Thiên đường không thể được.

Bạn thử nghĩ xem bạn có lý hay họ Lâm có lý? Tôi còn muốn cho tiếng tri túc thêm một nghĩa mới này nữa, làm việc đến một mức nào thôi rồi nghỉ. Như tôi đã nói trong một chương trên, được cha mẹ nuôi nấng dạy dỗ, được hưởng cái ơn của tiền nhân và người đồng thời thì ta lại phải làm một việc gì cho gia đình cho xã hội, để cải thiện đời sống hiện tại và sửa soạn một tương lai tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau. Nhưng chúng ta cũng nên nhớ rằng con người và xã hội chỉ có cải thiện từ từ, mà việc cải thiện đó là nhiệm vụ chung của mọi người, đừng khư khư ôm lấy vào một mình ta. Ta làm việc ba mươi năm, sức suy thì có quyền được làm bớt đi, hoặc nghỉ hẳn. Ta làm việc mười, mười hai giờ một ngày thì cũng có quyền để riêng ra một giờ tiêu khiển. Có những việc lâu dài không thể làm một đời người mà xong được. Mình làm một chút rồi người khác tiếp một chút. Sao lại cứ muốn làm lấy một mình?

Kim Thánh Thán, một nhà phê bình Trung Hoa ở thế kỷ XVII viết một đoạn văn kể ba mươi ba lúc vui của mình. Lâm Ngữ Đường đã trích dẫn trong cuốn L’importance de vivre. Dịch cả ra thì dài quá. Tôi tóm tắt những cái vui mà chúng ta có thể hưởng được:

  • Ngày hè đương nóng như nung, bỗng đổ cơn mưa lớn.
  • Bạn thân mười năm chưa gặp, chiều tối bỗng tới gõ cửa, mừng rỡ đón vào và sai người nhà đi mua rượu đủ uống được ba ngày.
  • Có tiếng chuột gặm nhấm sách vở gì ở đầu giường, bỗng có mèo con vào.
  • Nghe trẻ đọc bài một cách trôi chảy.
  • Lục rương thấy những giấy nợ đã lâu đời của người khác; có người đã chết, có kẻ còn sống. Đốt những giấy nào mà biết người viết giấy không sao trả nổi.
  • Trời hè, nhìn một bọn người tát nước.
  • Nghe tin kẻ bạo tàn nhất trong tỉnh mới chết.
  • Mưa suốt một tháng: buổi sáng dậy nghe tiếng chim hót và nhìn ra ngoài thì trời đã rực rỡ.
  • Cất được một căn nhà nhờ ngẫu nhiên được một số tiền.
  • Chiều hè, bổ một quả dưa để ăn.
  • Tình cờ tìm được trong rương một bức thư cũ một người bạn thân.
  • Một người hiếu học mà nghèo, muốn mượn tiền mà ngại ngùng chưa dám nói. Đoán được ý, hỏi nhỏ, giúp một món.
  • Đi xa đã lâu trở về cố hương.
  • Một đồ sứ cổ và quý, bể mà không có cách nào gắn lại, gọi người ở lại bảo đem làm gì thì làm, miễn khuất mắt là được.
  • Lầm lỡ một điều trong ban đêm, sáng dậy kể với người khác để tỏ nỗi ân hận.
  • Mở cửa sổ cho một con ong bay ra.
  • Trả hết nợ.
  • Đọc truyện Lão râu quăn.

Chúng ta cũng nên noi gương Kim Thánh Thán ghi lại những phút vui của mình. Đó là một cách tự xét khá thú vị.

Tất nhiên, ông ngẫu hứng mà viết đoạn đó với một giọng hóm hỉnh để chơi, chứ không có ý kể hết những lúc vui của mình. Một tâm hồn như ông tất còn hưởng được vô số cái vui khác, chẳng hạn cái vui được thơ thẩn bên đường, được ngồi một mình trong một chỗ rất tịch mịch

Buổi chiều tà, dắt một đứa nhỏ tám chín tuổi dạo gót bên bờ sông, mình thì hút thuốc, nó thì ngậm kẹo, mình thì ngắm mây nó thì nhìn người, nó hỏi gì mình chỉ mỉm cười mà ừ hử, phút đó cũng thú đấy chứ? Không có trẻ thì có một ông bạn thân, chậm chạp bước cùng hàng, tay chắp sau lưng, mỗi người nghĩ bông lông một phía, nói với nhau rất ít, thỉnh thoảng chỉ gật đầu tỏ rằng ý nghĩ bông lông đã gặp nhau, cũng thú đấy chứ?

Xe hơi chạy vào một khu rừng sâu rồi ngừng. Xuống xe đi một mình vào một chỗ tịch mịch đến nỗi nghe được tiếng động của những con vật nhỏ ở mặt đất, tưởng như bắt được hơi thở của cây cỏ, cũng là một lúc tuyệt thú; không được vậy thì thỉnh thoảng gặp được một chiều chủ nhật, cả nhà đi khỏi, khóa cửa trước cửa sau, nằm hút thuốc nghe cái tĩnh mịch ở trong lòng cũng là thú. Rồi đúng cái lúc chán sự tĩnh mịch ta ra mở cửa thì trẻ ở trên xe cũng vừa bước xuống, chạy vào: “Thưa ba, con đã về”, cũng thú đấy chứ?

Những lúc đó mới thật là nhàn!

Một trong những cách thư giãn rất tốt đó là tắm lá thuốc của người Dao Đỏ và ngâm chân mỗi tối bằng bài thuốc ngâm chân cổ truyền của người Dao Đỏ.


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng