Để giữ hạnh phúc trong hôn nhân
Sáng suốt lựa chọn là qui tắc đầu tiên để gây hạnh phúc trong hôn nhân thì tị hiềm là qui tắc đầu tiên để giữ hạnh phúc đó. Tôi mong rằng những truyện thực tôi kể trong chương này sẽ làm cho bạn suy nghĩ.
Ký tính của tôi vào hạng trung bình mà không hiểu sao tới nay tôi vẫn còn nhớ rõ một việc rất tầm thường xảy ra cách đây trên bốn chục năm, việc cha tôi và tôi lại thăm bà Đỗ Chân Thiết mà trong nhà chúng tôi thường gọi là thím Ba Đỗ.
Ông Đỗ Chân Thiết (một nhà cách mạng tôi đã chép tiểu sử trong cuốn Đông Kinh nghĩa thục) với cha tôi ngoài tình con cô con cậu, còn tình bạn đồng môn và đồng chí nữa, cho nên coi nhau như anh em thường bá vai nhau đùa giỡn, tới chơi nhau thì dù đang ngủ cũng tung mền nhau ra rồi lôi dậy, rủ nhau đánh cờ hoặc dạo phố.
Thân với nhau là thế, vậy mà tối hôm đó, tôi còn nhớ một tối mùa hè sau khi chú Ba Đỗ tôi trốn qua Trung Hoa, hoạt động với cụ Phan Bội Châu, cha tôi tới thăm thím Ba tôi, dắt tôi theo và khi tới nhà ở phố hàng Bạc, Hà Nội, cha tôi không vào, đứng ở cửa lên tiếng. Thím Ba tôi ra mời vào, cha tôi tiến vào vài bước nhưng không ngồi, chỉ đứng bên một cái bàn ở nhà ngoài, hỏi thăm tin tức của chú tôi. Thím tôi cũng không mời ngồi, mà đứng xa xa, chắp tay tiếp chuyện. Độ một phút rồi cha tôi cáo từ ra về.
Việc xảy ra chỉ có vậy mà đã đập vào óc tôi một cách khá mạnh. Hồi đó tôi lên bảy, nhưng thực ra chỉ mới đủ sáu tuổi, tối đi ngủ một mình còn sợ ma, suy nghĩ gì đâu mà sao đã cảm thấy rằng cha tôi và thím tôi hôm đó xử sự như vậy là hợp lễ chứ không phải lãnh đạm. Khi còn chú tôi ở nhà thì cha tôi có thể thân mật: “Thím, chú ấy có nhà không?” rồi sồng xộc bước vào nhà trong; nhưng khi chú tôi đã đi vắng, thím tôi ở nhà với vài người con nhỏ thì cha tôi phải có thái độ khác. Tôi còn ngờ rằng cha tôi lần đó dắt tôi theo, chủ ý để có người chứng kiến cho và tôi thấy ở hành động ấy một vẻ đẹp của phương Đông.
Lớn lên, ngoài hai mươi tuổi, tôi được biết thêm một vẻ đẹp nữa, khác hẳn, của phương Tây. Nam nữ của họ đối với nhau nhã nhặn mà tự nhiên. Đàn ông nhường bước cho đàn bà khi lên xe, xuống xe, khi vào cửa, ra cửa... Họ dắt nhau đi chơi, trò chuyện thân mật mà vẫn giữ lễ độ. Tôi cho như vậy cũng văn minh; nhưng trong tiềm thức của tôi như vẫn còn giữ cái nếp của phương Đông cho nên mỗi khi tiếp xúc với nữ giới, không phải hàng ruột thịt thì dù thân như chị em trong họ, vợ con của bạn, tôi luôn luôn giữ một thái độ mà nhiều người hiểu lầm là quá nghiêm, là lãnh đạm. Nào có phải tôi không trọng văn minh phương Tây; chỉ vì tôi đã học được bài học tị hiềm của cha tôi trên bốn chục năm về trước, một bài học mà bây giờ nghĩ lại tôi mới thấy là quí giá vô ngần.
Khoảng mươi năm trước, hai ông nọ đã gần ngũ tuần, đều vào hạng trí thức, rủ nhau buổi tối đi học thêm tiếng Anh. Hạng công chức cao cấp tới tuổi đó mà còn chịu học thêm, đâu phải hạng người tâm hồn tầm thường. Trong lớp học có một bà chưa chồng ở Pháp mới về. Cũng là một nhân vật hiếm nữa. Chỗ đồng thanh đồng khí, ai mà không quí mến nên ba người dễ thân nhau và sau buổi học, một ông có xe hơi thường đưa hai người kia về nhà. Đó là một phép lịch sự rất thông thường của phương Tây.
Như vậy được một tháng rồi một tối nọ, xuýt xảy ra một cuộc “đại náo” ở ngay cửa trường, sau giờ tan học. Hai phu nhân của hai ông nọ nấp sau gốc cây, đợi cho ba người vừa lên xe, chưa kịp cho xe chạy là nhảy tới làm dữ. Cũng may, một ông khéo xử nên hàng phố ít ai được biết; nhưng từ đó ba người rất hiếu học kia đành bỏ dở việc học và tôi tin chắc rằng hai ông công chức đó có gặp bạn học ở ngoài đường tất không dám nhìn mặt nhau nữa. Thực tai hại!
Tôi không hề nghi ngờ lòng trong sạch của họ mà chỉ trách họ đã vụng xử, đã không biết đến chữ tị hiềm của đạo Nho mà cũng không hiểu cái tinh thần của phép xã giao phương Tây. Sao họ không tìm cách giới thiệu bạn với vợ ngay từ lúc mới làm quen để đến nỗi các bà vợ nghi oan là họ lén lút?
Gần đây tôi lại được nghe một chuyện buồn nữa. Nguyên do cũng tại cái phép đưa đón xã giao của phương Tây đó.
Một bà nọ - tôi tạm gọi là bà T, làm công chức trong một tỉnh nhỏ, vì có học, tính tình tự nhiên niềm nở, ăn nói hoạt bát, nên giao thiệp rộng và trong đồng nghiệp, nhiều ông quí mến bà ta, coi như chị em ruột. Rồi bà ta có chồng. Người chồng tính tình nghiêm trang nhưng không cố chấp, để vợ tự do giao thiệp với bạn trai, không hề nghi ngờ gì cả. Như vậy được vài năm. Trong số bạn trai có một ông - tôi gọi là M, chưa vợ , thân với bà T nhất, thường tới lui dùng xe hơi đưa đón bà từ sở về nhà, từ nhà tới sở.
Và một hôm, việc phải xảy ra đã xảy ra. Sau khi vắng mặt khá lâu, ông chồng về nhà, thấy trong một tuần mà ông M đến thăm vợ mình bốn năm lần và luôn ba ngày liền, đem xe đến rước đi làm hay đi hội, có khi chín mười giờ tối mới đưa xe về. Hai người lại vụng về: ông M đến đón bà T mà không xin phép chồng bà; bà T cũng không xin phép chồng. Ông T nghĩ dù trong xã hội Âu Tây như vậy cũng là thiếu lịch sự, phải cảnh cáo vợ một cách hơi nghiêm khắc.
Nước tắm Dao Đỏ - phương pháp thủy trị liệu trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng
Bà T ủ rũ kể lể tâm sự với tôi vì tôi quen cả ba người.
Bà nói:
- Nhà tôi trách là phải. Tôi đã nhận lỗi và hứa giữ gìn ý tứ, nhưng nhà tôi vẫn chưa tha thứ cho tôi, mấy bữa nay đối với tôi có vẻ khinh khỉnh, cơ hồ cho là tôi thiếu giáo dục, tôi tủi thân lắm. Anh lạ gì ông M và tôi. Chúng tôi có thể nào thất lễ được mà anh cũng biết tôi kính mến nhà tôi lắm, cái gì cũng chiều anh ấy cả. Ông M chỉ vì tiện đường mà đưa đón tôi, chứ không cố ý và chúng tôi không xin phép nhà tôi chỉ vì vụng xử thôi chứ không có lòng nào cả. Anh khuyên tôi phải làm sao bây giờ cho gia đình tôi đầm ấm trở lại?
Tôi đáp: - Chị hỏi ý kiến tôi thì tôi phải nói thẳng, có điều gì phật ý chị tha lỗi trước cho, tôi mới dám nói.
- Vâng, xin anh cứ thành thật chỉ bảo cho.
- Chị trách anh ấy là quá nghiêm phải không? Theo tôi, nghiêm như vậy là có lý. Chị tin ở lòng ông M, thái độ đó đáng quí, nhưng chị quá tin ở lòng mình thì không nên. Tôi kể cho chị nghe một chuyện. Một bà nọ, bà S có nhan sắc, có học, sinh trưởng trong một gia đình danh giá, hy vọng có được một người chồng bác sĩ hay kỹ sư, rồi vì cảm lòng chân thành với công đeo đuổi của một công chức tầm thường mà nhận lời người này. Trong hồi kháng chiến, bà ta bỏ được hết những thói quen trưởng giả, ăn trắng mặc trơn, mà vui vẻ sống với chồng con một cuộc đời lam lũ, trốn chui trốn nhủi trong tám năm tại một nơi đồng chua nước mặn; như vậy chị đủ biết đức của bà ta ra sao.
Vậy mà mười lăm năm trước, bà ta suýt mắc một tội có hại cho thanh danh gia đình. Hồi đó bà ta mới có chồng được vài tháng. Người chồng rất chiều vợ và cửa nhà vui vẻ. Rồi một hôm, một người anh họ xa của bà S ở bên Pháp mới về lại thăm hai vợ chồng bà. Người chồng theo phép lịch sự mời ông anh vợ lại chơi lâu lâu để biết cảnh đồng quê và cũng để cho vợ đỡ thấy cảnh nhà vắng vẻ. Ngày ngày, trong khi chồng đi làm, bà S tiếp chuyện ông anh, chăm chú nghe ông kể đời sống bên Pháp. Thế rồi một tối nọ, hai người lên xe hơi trốn đi. Cũng may, thân phụ và chồng bà S thấy khác ý, đã kịp để phòng, lái xe đuổi theo bắt bà ta lại.
Về tới nhà, bà ta như người mất hồn, nửa năm sau nghĩ lại mới thấy hối hận đến nỗi muốn tự tử; còn ông anh họ kia thì mắc cỡ, trốn luôn lên Cao Miên... Chị đừng ngắt lời tôi. Tôi biết chị muốn nói gì rồi. Không. Kể lại chuyện đó tôi không có ý so sánh chị với bà S đâu. Tôi chỉ muốn khuyên chị rằng chúng ta, chị cũng vậy mà tôi cũng vậy, không nên quá tin lòng mình. Nó thay đổi mỗi ngày một chút mà ta không hay; và chỉ trong một vài tháng, ta có thể không còn nhận ra được chính cái con người của ta nữa.
Vả lại, dù có tin chắc ở lòng mình thì cũng còn phải đề phòng dư luận. Tôi biết rằng nhiều người ở trong tỉnh này vẫn trọng đức của chị. Nhưng chị có dám tin chắc rằng không một ai nghi ngờ gì lòng chân thành của chị không?... Ít nhất cũng đã có một người rồi đấy và người đó lại chính là người thân nhất của chị. Mà đã có một người thì sao không thể có hai, có ba hay nhiều hơn nữa mà chị chưa hay đấy.
Ngày xưa Khổng Tử tới làm khách ở nước Vệ. Theo tục nước đó, Ngài phải vào chào vợ vua Vệ là nàng Nam Tử. Nam Tử vốn có tiếng là người đàn bà không đứng đắn, cho nên thầy Tử Lộ, học trò của Ngài, tỏ vẻ không vui; Ngài phải thề với Tử Lộ rằng: “Ta có làm điều gì chẳng phải thì Trời bỏ ta, Trời bỏ ta!” Chuyện đó còn chép trong Luận Ngữ. Đức của chúng ta chắc không bằng một phần mười của Khổng Tử mà lòng người ở đây tin chị chắc cũng không bằng một phần mười lòng của Tử Lộ tin thầy. Thế thì chỉ càng phải nên giữ ý lắm chứ. Khi mà tin đồn đã đến tai chị thì trễ quá rồi, gột làm sao cho sạch? Vì vậy mà cổ nhân mới dạy chúng ta tị hiềm. Cái công dụng của đạo tị hiềm rất lớn: một mặt nó tránh cho ta những tiếng thị phi; mặt khác nó kìm hãm ta, đừng quá tin ở lòng mình mà phải đề phòng từng chút, từng phút để khỏi xảy ra những điều mà khi tỉnh lại, ta không ngờ rằng sao một người như ta có thể mắc phải. Khi ta nhớ câu: “Qua một vườn mận đừng sửa nón, qua một vườn dưa đừng sửa dép” thì mận và dưa không thể cám dỗ lòng ta được nữa.
Bà ta sụt sùi khóc. Tôi ngồi yên một chút rồi tiếp:
- Chị lại đây có ý cầu tôi an ủi mà tôi lại có vẻ như kết tội chị, thực tâm tôi không vui. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ khi nào chị thành thật không ân hận, nhận rằng chị và ông M đều có lỗi, không trách anh là nghiêm khắc nữa thì hạnh phúc trong gia đình chị mới toàn vẹn được. Bây giờ chị đã ân hận rồi thì tôi không thấy gì đáng ngại nữa. Tối nay chị rủ anh ấy đi coi phim Ne dites jamais Adieu. Câu chuyện trong phim gần giống câu chuyện của anh chị và khi coi xong, chắc anh ây sẽ vui vẻ với chị ngay. Còn ông M thì để ngày mai tôi lại nói chuyện với ông ta. Ông ấy chỉ có cái tội thiếu căn bản Nho giáo và thiếu cả cái tinh túy của văn minh phương Tây, chứ bản chất cũng là tốt.”
Trong hai chục năm nay, nhận xét những gia đình của bạn bè hay thân thuộc, tôi thấy không ai có căn bản xấu mà hầu hết đều do không học đến chữ tị hiềm của cổ nhân để đến nỗi vợ chồng xích mích nhau rồi lần lần lãnh đạm với nhau, có khi xa nhau.
Bà vợ ngồi thoa phấn tô son trước mặt bạn của chồng, hoặc ông chồng ngâm toàn những thơ Xuân Diệu và Nguyễn Bính cho một cô em họ của bà vợ nghe... đó, mới đầu đại loại là như vậy, rồi bị người kia khinh, khinh mà không nói vì trong giới học thức người ta thường tế nhị. Thực ra những việc như vậy cũng rất khó nói. Một khi đã coi rẻ nhau thì những nguyên do khác - như tiền tài chẳng hạn - mới xô nhau tới và nền tảng gia đình phải sụp.
Trong đạo vợ chồng, hầu hết kẻ nào làm cho người kia ghen đều có lỗi. Có lỗi cả những khi vô tình, cả những khi lòng rất trong sạch. Vì chỉ có Thượng Đế mới xét ta theo tấm lòng của ta, còn hết thảy loài người, cả những người thân nhất, cũng xét ta theo cử chỉ và thái độ của ta, và có những cử chỉ, thái độ đủ đánh giá một con người.
Tự lực văn đoàn hồi trước gây một phong trào vui vẻ trẻ trung, trai gái tiếp xúc với nhau rất tự nhiên. Phong trào đó đã thay đổi được tính tình của một hạng “cụ non” tư tưởng cố chấp và cằn cỗi của thời ấy. Những nhà cải cách nào cũng phải hăng hái, quá trớn một chút rồi kẻ theo đòi lại nông nổi bước quá trớn hơn nữa, thành thử đa số bạn trẻ trong vài chục năm nay gần như mất gốc, quên cả lễ giáo của phương Đông mà chỉ bắt chước được cái tự do của phương Tây, chứ chưa học được cái tinh túy của người. Nếu họ hiểu được cái tinh túy của phương Tây, tất họ sẽ thấy rằng đừng nói chi những nhà đạo đức, ngay những nhà khoa học, nhà tâm lý Âu Mỹ cũng nghĩ rằng sự thân mật quá giữa nam nữ là một sự nguy hiểm, rằng người ta không nên quá tin lòng mình.
Chẳng hạn bà Marion Hilliard, bác sĩ y khoa, giám đốc sở y khoa ở dưỡng đường Toronto, trong bài L’amour platonique existe-t-il? (Có ái tình thuần khiết không?) đăng ở tạp chí Sélection du Reader's Digest số tháng tám năm 1956, bảo rằng các phụ nữ thường mắc cái lỗi chung là coi thường cái yếu tố sinh lý.
Sau hai chục năm kinh nghiệm, bà được nghe cả ngàn câu chuyện thương tâm, chỉ lỡ lầm một chút mà sa ngã. Nạn nhân vào hạng trẻ đã là nhiều mà vào hạng đứng tuổi cũng không phải là ít. Câu chuyện nào cũng như câu chuyện nào. Mới đầu họ kể sự giao du của họ với một người đàn ông, rồi bỗng nhiên họ im bặt.
Bà đã đoán được rồi hỏi:
- Rồi người ta mời cô về nhà riêng phải không? Cô trả lời ra sao?
Thế là thân chủ của bà khóc lóc, kể lể tâm sự, hối hận.
- Chót lỡ một phút rồi sinh ra nông nỗi đó, chứ tôi đâu phải là hạng người như vậy!
Điên khùng! Trừ một số rất ít mà sinh lực quá kém còn thì phụ nữ nào cũng là “hạng người như vậy” hết. Đàn bà, mà đàn ông cũng thế, bẩm sinh có những thị dục hỗn độn mà nhiều khi họ không kềm chế nổi. Nó phát ra đúng những lúc mà họ không ngờ, và do những nguyên nhân rất nhỏ: một giọng hát ảo não, một tiếng đờn thánh thót, một vòm trời đầy sao, một ánh trăng trên mái tóc, một tà áo phất phất chạm vào tay, một vẻ huyền ảo sau làn sương.
Mới đầu, nghe những phụ nữ đáng thương đó thú rằng họ không kềm chế được lòng, bà không tin. Cả những người có giáo dục, có học thức, có địa vị, có tư cách mà cũng không tự chủ được ư? Rồi càng ngày càng kinh nghiệm, bà phải nhận rằng có những lúc tình dục phát lên, người ta không còn suy nghĩ gì được cả, và như vậy là thường tình, là tự nhiên.
Vậy thì chỉ có một cách để giữ mình là đừng tin ở mình, đừng tin rằng tới lúc nguy kịch đó, mình còn đủ sáng suốt, đủ nghị lực để từ chối; và một khi đã không tin như vậy thì tất nhiên phải tránh những phút cám dỗ. Chính những tiểu thuyết lãng mạn đã tạo ra những chuyện tình thuần khiết, những chuyện tình lý tưởng, trong đó những thiếu nữ đẹp như tiên và có nghị lực như thánh, tự hãm nhục dục trước khi xảy ra cái lỗi không thế nào chuộc được. Những tiểu thuyết đó rất tai hại cho đàn bà.
Và bà khuyên phụ nữ phải giữ gìn ý tứ. Ngay các bà đã có chồng con cũng phải đề phòng những sức mạnh ngấm ngầm trong cơ thể. Bà bảo: “Biết bao người vợ tin chắc rằng “không thể xảy ra cái gì được” vì lẽ người đàn ông đó là người bạn tốt, mà rồi cùng phải thú thực với tôi là không tự chủ được. Tôi tin họ thành thực, nhưng nếu họ đừng để cho một người đàn ông nào khác ngoài chồng họ ra, đánh xe đưa họ về nhà thì có lẽ họ đã tránh được tai nạn”. Nếu ta không được biết tên tác giả thì đọc câu cuối đó, bạn đã tưởng là lời khuyên của một nhà nho cổ hủ, phải chăng? Vậy thì lời khuyên đó đáng cho bạn suy nghĩ chứ?
Bà còn kể nhiều chuyện thương tâm khác nữa. Một thiếu phụ nọ sinh đứa thứ nhì, khoe với bà rằng có một chị bạn rất thân vui lòng lại nhà trông nom dùm cho đứa con đầu lòng trong khi mình nằm ở nhà bảo sanh.
Bà tự nhủ:
- Dính rồi đây.
Quả nhiên vài tháng sau, điều bà tiên đoán đã xảy ra. Thiếu phụ đó khóc lóc kể với bà.
- Làm sao mà họ có thể như vậy được?
Nhưng lỗi ở ai? Ở người bạn, người chồng đã đành rồi, mà còn ở người vợ nữa chứ? Tại sao lại cho lửa gần rơm?
Cái tục nam nữ thụ thụ bất thân quả là nghiêm khắc và không hợp thời nhưng nó không phải không có nguyên do, một nguyên do chính đáng về tâm lý và sinh lý. Ta không nên theo cái tục đó nhưng cần hiểu nguyên do của nó để giữ gìn cho ta và cho người khác. Như vậy mới thực là con người có học thức, là con người văn minh, ở Đông cũng vậy mà ở Tây cũng vậy.
Hôn nhân là một việc nghiêm trang. Một khi đã mang tên của người khác hoặc để người khác mang tên của mình thì không thể giữ sự tự do như hồi còn độc thân được, mà trong mỗi hành động, nên nhớ đến người bạn trăm năm của mình.
Những kẻ phàn nàn rằng từ khi thành gia, hóa ra bó buộc, đã là vô lý; mà những kẻ trách bạn bè, bà con từ khi ra ở riêng tình như lạnh nhạt, cũng là vô lý nữa. Họ không hiểu nghĩa hai tiếng sống chung.
Phong tục mỗi ngày một thay đổi nhưng dù sự giao thiệp giữa nam nữ “tiến” đến mức nào đi nữa thì qui tắc tị hiềm vẫn còn giá trị nếu chế độ hôn nhân không mất. Tiếc thay từ trước tới nay tôi chưa thấy một cuốn sách nào, cả những sách dạy đạo vợ chồng, nhắc đến qui tắc căn bản để giữ hạnh phúc trong gia đình đó.
Xem thêm