Xoa bóp, tắm hơi và sức khỏe (Chương 2: Sinh lý học của xoa bóp)

Xoa bóp, tắm hơi và sức khỏe hiện nay rất được ưa chuộng bởi nó là liệu pháp trị liệu không dùng thuốc, an toàn và hiệu quả. Xoa bóp là một hệ thống các thủ pháp tác động cơ học có liều lượng đến thân thể bằng tay của nhân viên xoa bóp hoặc bằng các dụng cụ chuyên môn.

Chương 2: SINH LÝ HỌC CỦA XOA BÓP

Xoa bóp là một hệ thống các thủ pháp tác động cơ học có liều lượng đến thân thể bằng tay của nhân viên xoa bóp hoặc bằng các dụng cụ chuyên môn.


Bạn có thể nghe bài viết ở video này nhé

 

Xin nhắc lại một vài kiến thức về giải phẫu học và sinh lý học. Chúng ta biết rằng hệ thần kinh của con người được chia ra hệ thần kinh trung ương và hệ thần kinh ngoại biên. Hệ thần kinh trung ương gồm đại não và tủy sống, hệ thần kinh ngoại biên gồm các hạch thần kinh và dây thần kinh. Hệ thần kinh còn chia thành thần kinh vận động, là thần kinh điều hòa hoạt động của cơ quan vận động, da, các cơ quan cảm giác, và thần kinh thực vật điều hòa hoạt động của các cơ quan nội tạng và hệ thống mạch.

Xoa bóp có tác động phản xạ đến các bộ phận thân thể các cơ quan ở xa chỗ được xoa bóp. Ngay từ năm 1908, E A Serbac đã chứng minh rằng kích thích ở vùng cổ sẽ tác động đến các cơ quan mà sự phân bố thần kinh cho chúng phụ thuộc vào những tổ chức thần kinh nằm ở vùng cổ. 

Những công trình nghiên cứu của I P Pavlốp đã chứng minh phản ứng đối với kích thích gây đau có thể bị ức chế bởi một kích thích có điều kiện. Kích thích đó có thể là xoa bóp, khi nó được áp dụng phù hợp với tình trạng và thời kỳ của bệnh. Các thủ pháp xoa bóp được lựa chọn đúng có thể làm dịu hoặc gây hưng phấn hệ thần kinh, do đó mà tạo ra những biến đổi nhất định ở các cơ quan và hệ thống khác nhau của cơ thể con người.

Tác động của xoa bóp đối với hệ thần kinh phụ thuộc vào các thủ pháp, thời gian tác động, vùng xoa bóp, tức là vào mức độ kích thích các cơ quan thụ cảm. Ngay trong các văn kiện của hội nghị quốc tế về xoa bóp lần thứ nhất tại Pari năm 1937, người ta đã viết: “Tác động lên da cũng là tác động gần như trực tiếp lên hệ thần kinh, bởi vì da cung cấp cho não những dòng kích thích liên tục, mà chúng ta có thể thay đổi đến vô tận bằng hàng loạt động tác”.

Bây giờ nói về da. Da là cơ quan bài tiết và điều hòa sự tỏa nhiệt, bảo vệ cơ thể trước những tác động hóa học, cơ học và nhiệt độ. Trong da có các mạch máu và mạch bạch huyết, các đầu mút thần kinh, các tuyến mồ hôi và mỡ, các hành lông (tức lỗ chân lông).

Do tác động của xoa bóp, các tế bào biểu bì đã chết (ở lớp ngoài) tách ra và loại bỏ, sự cung cấp máu đến vùng xoa bóp tăng lên. Da được nuôi dưỡng tốt hơn và trở nên mịn màng hơn. Đồng thời dòng chảy về của máu tĩnh mạch và bạch huyết cũng được tăng cường, do đó làm giảm chứng phù nề và những hiện tượng ứ nghẽn tại vùng được xoa bóp, và gần đó, tăng cường hoạt động của các tuyến, và tăng tiết các hoạt chất sinh học đặc biệt: histamin, axêtincôlin, là những chất giúp cho hoạt động cơ của con người.

Sự hoạt động tốt của cơ có ý nghĩa quan trọng không những đối với sự vận động của tất cả các bộ phận thân thể, mà cả đối với hô hấp, tuần hoàn máu, tạo bạch huyết, điều hòa nhiệt, trao đổi chất. 

Xoa bóp làm mất cảm giác đau, làm cơ trở nên mềm mại, đàn hồi, phục hồi khả năng vận động, kể cả trường hợp các cơ được xoa bóp không tham gia hoạt động thể lực. Bí quyết là ở chỗ nhờ xoa bóp, hàm lượng axit lactic trong cơ giảm đi, các axít hữu cơ được thải đi dễ dàng hơn, do đó ảnh hưởng tốt tới các cơ bắp mệt mỏi.

Khi xoa bóp bộ dây chằng - khớp, thì độ linh hoạt của các khớp và tính đàn hồi của các tổ chức được cải thiện, giảm bớt sự ứ trệ ở quan khớp, nhờ máu được cung cấp nhiều hơn, và dòng bạch huyết xuất thuận lợi hơn, nên gia tăng tốc độ tạo thành chất hoạt dịch giữ vai trò bôi trơn bên trong khớp.

Đặc biệt phải nói về ảnh hưởng của xoa bóp đối với hệ tuần hoàn máu và bạch huyết. Nhờ hệ tuần hoàn mà tất cả các cơ quan và tổ chức được cung cấp ôxy, các chất dinh dưỡng, các hooc môn (chất do các tuyến nội tiết tiết ra). Qua hệ tuần hoàn và hệ bạch huyết, các sản phẩm cuối cùng của trao đổi chất, không cần thiết cho cơ thể, được thải đi.
Xoa bóp làm cho các huyết quản mở rộng, tăng cường dòng máu tĩnh mạch chảy về và làm cho hoạt động của cơ tim dễ dàng, cải thiện tuần hoàn máu nói chung, bình thường hóa mức huyết áp động mạch, góp phần làm tăng lượng hồng cầu và tiểu cầu trong máu.

Hãy chú ý xem sự phân bố của các mạch máu và các mạch và hạch bạch huyết. Điều này khá quan trọng: không xoa bóp vùng có các hạch bạch huyết, còn nếu các bạch hạch bị sưng và đau, thì không được xoa bóp. 

Vì thế cần ghi nhớ: các hạch bạch huyết nằm ở hõm cổ, rãnh dưới đòn, hõm nách, hõm khuỷu, hõm khoeo, bẹn. Có thể gọi đó là vùng cấm.

Sau khi xoa bóp lồng ngực, đặc biệt là các cơ liên sườn, hô hấp sẽ được cải thiện, thở sâu hơn và nhẹ nhàng hơn. Nhờ đó ôxy được cung cấp cho cơ thể tốt hơn, làm giảm mệt mỏi, thúc đẩy sự bài tiết các sản phẩm trao đổi chất. Các cơ quan ở vùng bụng cũng có ảnh hưởng tốt: tăng co bóp các cơ của bộ máy tiêu hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động của dạ dày, gan, ruột, đặc biệt là khi mắc các bệnh có liên quan đến sự giảm sút hoạt tính của các sợi cơ của ống tiêu hóa. Ngoài ra, xoa bóp còn có tác dụng tốt đối với sự trao đổi khí, trao đổi chất khoáng và prôtit, đặc biệt là tăng sự bài tiết của thận, một loạt các chất hữu cơ và vô cơ (urê, axit uric).

Như vậy, cơ sở tác dụng của xoa bóp là những quá trình phản xạ phức tạp được điều hòa bởi hệ thần kinh trung ương. Các quá trình đó huy động các cơ chế thích ứng tự vệ của cơ thể, làm cho các cơ quan và hệ thống hoạt động bình thường.


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng