Xoa bóp, tắm hơi và sức khỏe (Chương 3: Các động tác xoa bóp - vuốt)
Trước khi bắt tay vào việc xoa bóp, cần cố gắng kiên nhẫn và nắm vững những thủ pháp và qui tắc chủ yếu của nó. Các động tác xoa bóp chủ yếu là vuốt, xát, bóp, rung. Sau đây là một số hướng dẫn về động tác Vuốt
Thông thường xoa bóp bằng tay. Không có một dụng cụ nào có thể thay thế những ngón tay nhạy cảm của nhân viên xoa bóp, những ngón tay cảm nhận được phản ứng đáp lại của các tổ chức, do đó có thể điều chỉnh liều lượng, kịp thời thay đổi động tác này bằng động tác khác.
Trước khi xoa bóp, tay phải được rửa sạch bằng xà phòng, tháo hết các đồ trang sức ở tay. Xoa bóp thường tiến hành trên thân thể hoặc các bộ phận thân thể để trần, nhưng ở những nơi có nhiều lông, nếu động tác xoa bóp gây đau hay kích thích da, thì có thể xoa bóp qua một lần vải lót. Nhất thiết sau khi xoa bóp không được để lại trên da những vết tím hoặc đỏ (do tụ máu).
Trong trường hợp bàn tay khó trượt, thì có thể dùng bột hoặc chất bôi trơn, thường là bột tan. Bột này thấm mồ hôi và mỡ rất tốt. Thay cho bột tan có thể dùng bột gạo, phấn rôm trẻ em, ở trong nhà tắm hoặc tắm hơi có thể dùng xà phòng.
Khi xoa bóp chữa bệnh có thể sử dụng các loại thuốc ở dạng mỡ, dầu bôi, như virapin, vipratôx, apizartron, dầu con hổ, Bôm-Bengan, trocxevazin...
Trong tất cả các dạng xoa bóp bằng tay, người ta sử dụng 4 thủ pháp chính là: vuốt, xát, bóp, rung. Mỗi thủ pháp này lại có những thủ pháp bổ trợ. Để nắm được các thủ pháp cần phải có kiến thức về giải phẫu học người, cụ thể là giải phẫu cơ. Tên gọi và vị trí của các nhóm cơ chính được chỉ dẫn ở hình 2.
Trong lúc xoa bóp, thân thể người được xoa bóp phải thả lỏng. Xoa bóp chủ yếu theo hướng của mạch máu:
Ở tay thì từ các đầu ngón tay đến khuỷu tay, từ khuỷu tay đến nách, không đụng chạm đến các hạch bạch huyết ở nách;
Ở chân thì từ các ngón chân đến khớp gối, từ khớp gối đến khớp chậu - đùi, không đụng chạm đến bạch hạch ở bẹn;
Ở phía trước lồng ngực thì xoa bóp từ xương ức sang hai bên hướng về nách;
- Ở lưng: từ cột sống sang hai bên;
- Ở vùng thắt lưng và xương cùng: từ dưới lên và sang hai bên, hướng về các hạch ở bẹn;
Ở cổ: từ đường biên vùng có tóc hướng xuống lưng, các khớp vai, xương đòn;
Ở mặt: từ mũi ra các phía và từ thái dương xuống dưới;
Ở bụng: xoa theo chiều kim đồng hồ, không chạm vào rốn, như chỉ dẫn ở hình 1.
Dưới đây là những thủ thuật xoa bóp chủ yếu.
Vuốt
Bất kỳ loại xoa bóp nào cũng được bắt đầu và kết thúc bằng động tác vuốt một tay hoặc hai tay, trong đó hướng của động tác bắt buộc phải theo hướng của các mạch bạch huyết. Vuốt có các tác dụng sinh lý khác nhau: mở rộng các mạch, tăng cường dòng máu tĩnh mạch và bạch huyết chảy về, nâng cao trương lực cơ, cải thiện tính đàn hồi và mềm mại của da. Nếu vuốt nhẹ, chậm rãi thì sẽ có tác dụng làm dịu thần kinh, làm thả lỏng cơ. Ngược lại, vuốt mạnh gây hưng phấn, kích thích khả năng co cơ.
Khi xoa vuốt, tay người xoa bóp phải đặt sát vào da, đè đều và nhẹ các phần, nhưng không tạo thành nếp. Các ngón tay thả lỏng. Lục đè của tay lúc đầu nhẹ, sau tăng dần và cuối cùng thì giảm. Nếu người được xoa bóp có lớp mỡ dầy thì phải đè tay mạnh hơn.
Tại những chỗ xương nhô ra, những vùng dễ nhạy cảm và các điểm đau, nhất thiết phải giảm lực đè của tay. Động tác vuốt được kết thúc ở gần các hạch bạch huyết gần nhất. Đối với đàn ông, khi xoa vuốt ở vùng ngực cần bỏ qua núm vú; ở phụ nữ, các tuyến vú chỉ được xoa bóp theo chỉ định của bác sĩ.
Xoa vuốt da mặt, ngón tay, bàn tay, bàn chân, nơi có lỗ ra của các dây thần kinh thì dùng hai ngón tay cái. Các đầu ngón tay 2, 3, 4 và 5 thường được dùng để xoa bóp các khớp ngón tay, các cơ liên sườn. Xoa vuốt da ở lưng, bụng, ngực, tay, chân, thì dùng cả bề mặt lòng bàn tay, một phần bàn tay hoặc nắm tay. Vuốt dọc hoặc ngang bề mặt thân mình, chân và tay theo đường dích dắc đối với da bụng, lưng, mông; theo đường xoắn (động tác tay làm như vẽ hình xoắn thừng) - đối với da bụng, lưng, mông; theo đường vòng tròn - đối với bề mặt bụng và các khớp.
Vuốt phẳng trên bề mặt. Bàn tay duỗi thẳng giữ thoải mái, các ngón tay nằm trên một mặt phẳng. Lòng bàn tay hơi chạm và trượt nhẹ đều theo bề mặt thân người. Thủ pháp này có tác dụng làm dịu thần kinh, thả lỏng cơ, cải thiện tuần hoàn máu và thúc đẩy nhanh sự di chuyển của dòng bạch huyết, nâng cao tính mềm mại và đàn hồi của da. Vuốt sâu, tức là làm động tác mạnh hơn, sẽ kích thích các dòng bạch huyết và máu tĩnh mạch và thúc đẩy việc thải bỏ các sản phẩm trao đổi chất ở các tổ chức, các hiện tượng ứ trệ.
Vuốt ôm liên tục. Bàn tay và ngón tay giữ ở tư thế hình máng, thả lỏng thoải mái, ngón cái mở tối đa và đặt đối diện với các tay còn lại. Bàn tay ôm bề mặt phần thân được xoa vuốt, lòng bàn tay đè sát một vùng nhất định. Thủ thuật này được dùng để xoa bóp tay, chân, mặt bên của thân, mông, đồng thời nên dùng khi bị phù, căng ứ bạch huyết. Nếu bàn chân bị phù nề, thì cần bắt đầu vuốt từ đùi, sau đó đến đầu gối và tiếp đến là bàn chân. Làm như vậy được gọi là xoa để hút.
Vuốt ôm không liên tục là thủ pháp tác động mạnh đến tất cả các cơ quan thụ cảm của da. Tay người xoa bóp di chuyển bằng các động tác giật ngắn, từng đợt và nhịp nhàng. Trong đó có thể lúc thì xoa bằng tay phải, lúc bằng tay trái luân phiên nhau, hoặc xoa bằng cả hai tay theo hướng ngược chiều nhau. Cách xoa vuốt này có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu ở các tổ chức, làm nóng và nâng cao trương lực cơ, vì vậy thường được áp dụng trong những trường hợp có hiện tượng ứ trệ sau khi bị gãy xương.
Xem thêm