Lê hấp yến sào

Lê hấp yến sào là một món ăn rất ngon, mát và bổ dưỡng. Ăn món này thường xuyên có tác dụng tốt trong điều trị ho, bệnh lao phổi, viêm phế quản cấp tính, cao huyết áp, tim mạch.

Tháng 4 về, gió hát mùa hè, có món ăn nào ngon thế?

Xin chào cả nhà, mình là Hải Vân – lương y của Hội Nam y Việt Nam, mình rất quan tâm tìm hiểu về vấn đề ẩm thực trị liệu, tức là chữa bệnh bằng những món ăn hàng ngày. 
Hôm nay mình xin giới thiệu với cả nhà một món ăn rất ngon và bổ dưỡng, là món lê hấp yến sào.

Nguyên liệu: 1 trái lê chín, 1 miếng yến sào, 2-3 viên đường phèn, vài hạt kỉ tử

Quả lê - chuyện xưa và nay

Chuyện xưa kể lại rằng: Vua Đường Huyền Tông từng bị ho nhiều đờm, khó chịu trong lồng ngực, họng khô, miệng khát, giọng khản đặc, thầy thuốc trong cung chữa mãi không khỏi. Nhà vua giận lắm, ra lệnh cho ngư y trong bảy ngày phải chữa khỏi, nếu không sẽ nghiêm trị. Các thầy thuốc trong cung ăn ngủ không yên, thấp thỏm chờ ngày mất đầu. Một ngự y gia lo sợ sinh ốm, nằm liệt giường.

Học trò đem lệ đến thăm thầy. Khi biết lý do thầy ngã bệnh, anh học trò phẫn uất định đầu độc Đường Huyền Tông, bèn bảo vợ thầy thái vụn lê, nấu kỹ thành cao, còn mình đi mua thuốc độc định đem về trộn vào để hại vua. Khi mua được thuốc độc trở về thì không thấy vợ thầy và món cao lê đầu. Thì ra bà vợ đợi lâu sốt ruột, sai con đem luôn vào cung. Nào ngờ nhà vua ăn món này xong, bệnh lại khỏi ngay. Vua vui mừng trọng thưởng cho hai thầy trò ngự y già.

Tác dụng trị ho, tiêu đờm của lê xưa nay đã được thừa nhận. Việc ăn lê giúp nhuận phổi, giáng hỏa, sinh tân dịch, dưỡng huyết, chữa khản tiếng, nhuận tràng, chữa nhọt, giã rượu với hiệu quả khá cao. 
 

Cách thực hiện:

-  

-  Bẻ nhỏ miếng yến, ngâm trong nước khoảng 20-30 phút cho yến mềm ra.

 

-  Trong thời gian chờ ngâm yến thì chúng ta sẽ gọt trái lê. Lưu ý khi chọn lê tránh những quả bị dập nát để ko bị mắc bệnh đường ruột. Trái lê gọt vỏ, khoét giữa (dùng dao có đầu nhọn rồi thìa để khoét)  để cho yến sào vào giữa trái lê. Khi gọt vỏ ta cho trái lê đã gọt vào bát nước có pha chút giấm để lê không bị thâm.

-    Yến sau khi ngâm ta cho cả nước và cái vào giữa trái lê, thêm 1 viên đường phèn, đậy nắp trái lê lại, cho vào 1 cái bát con rồi cho vào nồi hấp cách  thủy 20 phút. Trước khi tắt bếp 5 phút ta cho kỉ tử vào.

Đây là món ăn sau khi đã hoàn thành. Vị ngọt mát từ đường phèn và từ mật trái lê tiết ra khi hấp ngấm vào yến khiến cho món này trở nên rất ngon ngọt và hấp dẫn. Người khảnh ăn đến mấy thì cũng sẽ thích món này thôi.

Việc ăn lê và đặc biệt là lê hấp yến thường xuyên có tác dụng tốt trong điều trị ho, bệnh lao phổi, viêm phế quản cấp tính, cao huyết áp, tim mạch (dẫn tới váng đầu hoa mắt, tim đập loạn nhịp, ù tai). Hàm lượng vitamin, đường khá phong phú trong món ăn có tác dụng bảo vệ gan, dưỡng gan và tiêu hóa khá tốt.

Lưu ý: Do lê có tính hàn nên người bị bệnh đau lạnh bụng, đi lỏng không nên dùng.
Chúc các bạn ngon miệng và hẹn gặp lại các bạn ở những món ăn – bài thuốc tiếp theo nhé!


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng