Rau nhút trị chứng mất ngủ

Trong thế giới động thực vật đa dạng và kỳ diệu quanh ta, có nhiều món ăn còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh rất hiệu quả. Chúng ta hãy xem món rau nhút có tác dụng chữa bệnh mất ngủ như thế nào nhé!

A) Vật liệu canh rau nhút
- Rau nhút non, lá vông non, khoai sọ, củ súng, củ sen, tôm hoặc thịt heo nạc, tùy thích. 
B) Sơ lược cách làm
- Củ sen, củ súng cắt lát mỏng ngâm nước cho bớt nhựa
 - Khoai sọ gọt vỏ, cắt miếng.
- Rau nhút nhặt bỏ cọng già, tuốt bỏ lớp bông trắng bọc bên ngoài thân, cắt đoạn ngắn, để nguyên lá.
- Cho các củ vào nồi nấu nhừ, thêm tôm thịt và nêm gia vị . Cuối cùng cho rau nhút và lá vông non. Hai thứ rau chỉ hơi tái chín ăn mới ngon. 
C) Tính chất


Rau nhút hay rau rút, tên khoa học là Nuptinia oleracea, họ Trinh nữ. Đông y gọi nó là quyết thái. Cây này mọc bò trên mặt nước. Thân cọng bao bọc bởi một lớp phao trắng xốp như bông gòn. Lá hai lần kép, cuống phụ xếp theo hình chân vịt, khẽ động vào là lá cụp lại. Tùy theo cường độ va chạm, lá cụp vào tại chỗ hay cả cành. Sức va chạm tạo một luồng kích động làm cho các tuyến ở kẽ lá tiết ra một chất đặc biệt làm lá khép lại. Một lát sau kích động hết hiệu lực, lá lại mở ra như cũ. Tuyệt đại đa số thực vật không cử động. Đây là một trong những ngoại lệ.
- Rau nhút vị ngọt nhạt, tính hàn, không độc, trơn hoạt. Nó có tính bố trung ích khí, làm dễ ngủ, mát dạ dày, mạnh bổ gân xương. Nhân dân thường dùng rau nhút để trị mất ngủ. Hình như nó có tác dụng hiệp đồng với các thuốc ngủ hóa dược như barbituric, meprobamat khiến cho giấc ngủ sâu và dài hơn.
- Lá vông nem có tên khoa học là erythrina indica, họ cánh bướm. Đông y gọi nó là hải đồng hay thích đồng. Lá cây có vị đắng nhạt, hơi chát, tính bình. Lá non ít chát hơn lá già. Lá vông có tính an thần, thông huyết, tiêu độc, sát trùng. Trong lá vông có chất độc (erythrin) cho nên không dùng nhiều và dài hạn. Lá vông dùng để gói nem nên gọi là vông nem.
- Khoai sọ hay khoai môn còn có tên là vu tủ. Nó có tính cay, bình, không độc. Ăn khoai này thấy thư thái trong lòng, tinh thần thư giãn nên dễ ngủ. Nó có tính tiêu thực, giải khát, thông kinh, trừ phiền nhiệt, trị động thai.
- Củ súng có vị ngọt nhạt, tính bình, đi vào các kinh tâm, tỳ, thận. Nó có tác dụng an thần, bổ tỳ, ích thận, sáp tinh. 
- Củ sen là phần rễ cây sen cắm sâu dưới bùn. Nó có tác dụng dưỡng tâm, bổ tỳ, cố tinh; dùng để trị suy nhược, mất ngủ, hoạt tinh.
Món ăn này phối hợp các vị có tính bổ dưỡng, an thần. Nếu muốn dễ ngủ thì dùng nhiều rau nhút, lá vông. Lá vông chỉ dùng ngắn hạn và có độc.
Con người thụ khí của âm dương cho nên mọi biến hóa của âm dương đều ảnh hưởng đến con người. Âm dương của trời đất cũng như âm dương trong cơ thể người ta vì con người là tiểu vũ trụ. Nói đến âm dương là nói đến ngày đêm. Con người biết sống theo qui luật tự nhiên, ngày thức đêm ngủ thì cuộc sống sẽ thoải mái, thân thể nhẹ nhàng khoan khoái. Đối với những người sống cưỡng lại với chu kỳ biến hóa của âm dương, đêm thức ngày ngủ thì thần khí không vững vàng, cơ thể mệt mỏi. Khoa học hiện đại cũng nhất trí về điểm này, người ta gọi là nhịp sinh học. 
- Ở tuổi tráng niên, khí huyết thịnh, cơ nhục trơn chu, kinh mạch thông suốt, hai khí doanh vệ vận hành đúng kỷ cương cho nên ban ngày sảng khoái, ban đêm ngủ yên.
- Ở tuổi 50, khí huyết suy, cơ nhục khô ráo, kinh mạch trì trệ, hai khí doanh vệ vận hành bắt đầu lệch lạc cho nên ban đêm khó ngủ, ban ngày mề mệt. 
 Đối với người mất ngủ, uống thuốc chỉ là trị ngọn, cần phải tìm biết nguyên nhân để trị tận gốc, đồng thời duy trì nếp sống điều độ, thư giãn tinh thần  dùng những món ăn thích hợp, tập thể dục nhẹ…Cần kết hợp nhiều mặt mới mong hết bệnh tận gốc và sức khỏe mau hồi phục.
Ghi chú:
1- Khi có được rau nhút cọng non và dài, nhiều người thích ăn nó như rau sống. Lại có người ăn rau nhút sống chấm với mắm tép, mắm tôm, lẩu mắm.
2. Lá vông có tính sát khuẩn nên dùng để gói nem.


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng