Cao nguyên bí ẩn - Chương 4: Một đêm kinh hoàng và một ngày tốt lành
Tiểu thuyết Cao nguyên bí ẩn của nhà văn Lưu Văn Khuê - Chương 4: Một đêm kinh hoàng và một ngày tốt lành
CHƯƠNG 4: MỘT ĐÊM KINH HOÀNG VÀ MỘT NGÀY TỐT LÀNH
Ngày ngày, Sẻo Tùa phải đưa ngựa tới con suối đầu bản ăn cỏ và tắm rửa cho chúng. Khi về còn phải cắt mấy bó cỏ lớn cho ngựa ăn tối. Nếu cánh rừng bên con suối ấy không lắm chim thì cuộc đời của Sao Tùa chán ngắt biết bao. Nên khi đi, bao giờ Sẻo Tua cũng mang theo lồng chim và con chim mồi, có khi thêm một cái bề lớn.
Đến nơi, Sẻo Tùa chống que vào miệng bề, buộc con chim mồi vào đó, rắc vài vụn ngô. Con chim mồi thơ thẩn mổ ngô gọi những con chim khác đến. Núp kín một nơi, thấy chim vào, giật dây, chim sập bẫy. Sẻo Tùa chụp lấy là có ngay một bữa chim nướng ngon lành. Còn muốn có một con hoạ mi hót hay, mấy con chọi giỏi thì lừa cho chim vào lồng.
Hôm nay Tùa vẫn mang đủ các thứ, từ lồng đến bề nhưng không còn bụng dạ nào bẫy chim. Chú bé được biết Chứ Páo chuẩn bị đốt nhà, bắt cóc chị Chở. Hắn không còn biết sợ thằng Vư tôi tớ của Chí Sình nữa, vì đã được người Kinh hôm nọ bày mưu, và đám seo phải, mã phài giúp sức.
Tuy nhiên hắn vẫn định làm cái chuyện xấu xa kia vào ban đêm chứ không dám đường đường giữa ban ngày. Sẻo Tùa muốn báo cho anh em Vư biết chuyện ấy nhưng không biết nên thế nào.
Đám vụn ngô rắc bên suối chẳng mấy chốc đã bị lũ chim tới mổ bằng hết và con chim mồi không hiểu bằng cách nào cũng bay mất tự bao giờ chẳng rõ. Song lúc này Sẻo Tùa chẳng bận tâm. Tối ấy, cả nhà Vư ngồi quây quần đầm ấm, Dẻ bảo vợ:
- Anh để ý thấy ban sáng con Sơn Thượng Phi có vẻ bồn chồn, nó đứng không yên, cứ xoay ngang xoay dọc lục sục gại móng. Một lúc sau thì có sấm. Em có tin là nó biết trước sẽ có sấm không?
Chở bảo:
- Em tin chứ. Loài vật thấy được như thế, người thì chịu. Anh còn nhớ không, năm nọ tự nhiên chim chóc nháo nhác, muông thú có con bỏ rừng chạy xuống nương, người già thấy thế bảo trời đất có chuyện rồi. y như rằng sau đó đất rung bần bật, người Kinh gọi là động đất.
Dẻ nhìn ra, trời đen kịt. Sắp có mưa rồi. Cao nguyên như một người khổng lồ khô khát phờ phạc sắp đến lúc tươi cười trở lại.
Sau nhà, con Sơn Thượng Phi lại rục rịch khiến bầy dê quen thói nũng nịu be rinh cả lên. Nhưng lạ, con ngựa cứ rục rịch mãi không thôi. Nó choãi tai nghe ngóng và cảm thấy sợ, từng thớ thịt rung lên. Một đứa bé chạy xộc vào nhà. Sẻo Tùa! Tùa hổn hển:
- Chạy đi! Chứ Páo mang bao nhiêu người đến bắt người nhà này, đốt cái nhà này!
Dẻ hỏi:
- Sao lại bắt người nhà ta, đốt nhà ta?
- Đừng hỏi nhiều, chạy mau không thì chết cả nhà bây giờ. Tôi phải đi đây.
Nhưng Vư đã kịp nắm cổ tay Sẻo Tùa:
- Mày không giận tôi chứ?
- Không giận nữa.
- Tôi cũng không giận mày đâu.
Vừ tháo chiếc răng hổ, vật quý Vương Chí Sình cho mình, quàng vào cổ bạn. Tùa cởi vội chiếc vòng lía trao cho Vư. Tùa bảo: "Đi đây", rồi chạy vụt khỏi cửa. Cả nhà cuống cuồng mang những gì có thể mang được, mở cửa chuồng dê cho chúng mặc sức lên rừng rồi kéo con Sơn Thượng Phi hối hả ra khỏi nhà.
Dưới chân dốc đã nghe thấy tiếng lao xao. Con đường xuống đấy bị chặn mất rồi. Mọi người phải vòng ra sau nhà ngược dốc chạy lên phía cao. Dẻ bảo:
- Nếu không kịp, cả nhà cứ chạy, tôi ở lại chặn chúng nó. Chết thì chết.
Vư bảo:
- Để em. Anh còn bố mẹ với chị Chở.
Phía trước đã nghe rất rõ tiếng Chứ Páo:
- Mau mau đốt cái nhà cho sáng xem chúng nó chạy lối nào. Chắc chưa chạy xa được đâu.
Căn nhà khô nỏ suốt mùa hanh vừa bắt lửa đã cháy rừng rực. Gió bị hút tới càng thổi bùng ngọn lửa.
- Kia, tôi đã trông thấy chúng!
Một người hét lên. Đàn dê kêu inh tai, chúi vào nhau sau mới chạy được, mỗi con một ngả. Nghe rõ tiếng con đầu đàn gọi cả bầy tìm tới chỗ nó.
Bất ngờ, Vư nhảy lên con Sơn Thượng Phi, Chở chỉ kịp kêu "Kìa Vư!" thì Vư đã lao vút xuống dốc, trong tay cầm chiếc quà khua tít, lưỡi quà loang loáng dưới trăng, dưới ánh lửa căn nhà bị đốt đang tàn dần.
Bọn Chứ Páo chưa kịp nhận ra Vư thì một loạt gậy gộc đã bị chiếc quà của Vư đánh bật khỏi tay. Con Sơn Thượng Phi cũng tung những cú đá trời giáng vào đám người đang hoảng loạn ôm đầu chạy tan tác. Nhưng bọn Chứ Páo vội vàng lẩn trốn vào núi đá. Chợt một phát súng nổ xé trời, vai Vư nóng như có một que lửa đêm qua. Vư vỗ ngựa chạy theo một lối khác cốt để bọn Chứ Páo không tìm ra lối bố mẹ và anh chị Dẻ vừa chạy.
Mải miết chạy trong đêm tối, đến khi kiệt sức, Vư cho con Sơn Thượng Phi dừng lại. Đây là đâu? Vư cũng không biết. Thấy cần phải nghỉ và cũng để con Sơn Thượng Phi đỡ mệt, Vư tụt xuống đất, lần mò trong đêm tối tìm chỗ ngả lưng. Quá mệt mỏi và căng thẳng, Vư thiếp đi nhanh chóng. Con Sơn Thượng Phi rã rời cũng rất muốn được nghỉ ngơi nhưng nó không thể yên tâm nghỉ được. Ở nơi xa lạ và rậm rạp này nó cảm thấy mình luôn luôn là miếng mồi ngon của những con thú dữ.
Trời sáng rõ dần. Sơn Thượng Phi muốn kiếm một chút cỏ; cỏ thì nơi này rất nhiều, chỗ bìa rừng kia. Nếu có gì gọi là thích thú ở nơi xa lạ này đối với nó thì chỉ là những bụi cỏ mơn mởn xanh ở phía xa ấy. Cuối cùng không nhịn được, Sơn Thượng Phi thúc mõm đánh thức chủ. Song Vu vẫn say ngủ. Nó quyết định một mình ra chỗ bãi cỏ.
Nhưng những ngọn cỏ non tơ và bữa ăn mê mải đã làm Sơn Thượng Phi mất cảnh giác, khi nhận ra mối nguy hiểm thì đã quá muộn. Người đi săn và đàn chó đông không biết bao nhiêu con đã quây tròn lấy nó. Những con mắt hau háu và những cái lưỡi thè lè, đám răng nhọn hoắt của bầy chó đang bủa vây nó
Vừa lúc đó Vư choàng tỉnh, nhìn quanh tìm Sơn Thượng Phi và nhận ra ngay nguy hiểm đang bủa vây nó. Vư chạy tới, kêu đến lạc giọng
- Con ngựa của tôi!
Người đi săn quay lại. Đó là một người Dao. Cái áo ông ta mặc vuông chằn chặn, miếng thêu ở vai hình chiếc ấn Bàn Vương. Người Dao, bất kể đàn ông hay đàn bà, ai cũng thêu hình ấy hai bên bả vai áo. Vua Bàn Canh là ông tổ của họ. Vư sợ hãi lùi lại. Thật vậy, người nọ đặt con hoẵng săn được đang vác trên lưng xuống đất, tươi cười, nói bằng tiếng Quan Hoa, thứ tiếng những người khác dẫn tộc thường dùng để nói với nhau:
- Tôi không làm gì mày đâu, thằng bé Hơ mông! Mày có con ngựa đẹp quá. Ở đâu đến? Chỗ kia à?
Ông ta chỉ về phía một ngọn núi cao ngất trời. Người Hơ mông luôn luôn ở nơi chạm trời.
Vư lắc đầu:
- Tôi lạc đường, không còn biết mình ở đâu nữa. Tối qua bị người ta đuổi phải chạy tới đây.
- Không phải người Dao tôi đuổi chứ?
- Không phải.
- Có thế chứ. Không biết ở đâu, lạc đường thì về nhà tôi đi.
Như bị bỏ bùa, Vư đi theo người ấy. Đến khi tỉnh ra thì thấy không thể nào khác được. Người kia có súng và bầy chó con nào cũng to lớn, răng trắng nhởn, lưỡi đỏ hon hỏn trông rất dữ tợn.
Người Dao gọi bản của mình là động. Động của người Dao trù phú khác hẳn với bản người Hơ mông. Những vạt ruộng bậc thang vòng vèo uốn lượn theo sườn núi; chạy chéo trên cao, trên mặt ruộng là những máng nước làm bằng cây bương, dẫn nước từ một cái thác nào đó xuống tưới cho ruộng và tới tận nhà ở. Lác đác đây đó những cây chè cổ thụ phải bắc thang mới hái được búp. Những khóm vầu khóm bương um tùm. Những bụi cỏ xanh mướt mắt.
Người Dao nói:
- Gọi tôi là Bàn Chí Kiên. Còn tên mày?
- Tôi là Thào Mí Vư.
Người Hơ mông có ít họ, người Dao còn ít họ hơn. Họ Bàn là anh, họ Triệu là em.
Thấy người nọ vui vẻ, Vư cũng hơi yên tâm, tuy không hiểu tại sao ông ta lại vui vẻ thế. Người già Hơ mông nói: Người Dao chẳng ưa gì người Hơ mông. Họ cậy mình có mặt ở cao nguyên trước, các sườn núi, thác nước, đẩy người Hơ mông lên chỗ cao, người Hơ mông suốt đời khô khát, khổ cực là vì vậy.
Thế nên người Dao này có vẻ tốt là điều đáng ngờ. Hay là mình bị lừa, Vư nghĩ, họ lừa mình thì mình chết mất thôi; con Sơn Thượng Phi lần này chẳng cứu được mình.
Người Dao dừng lại trước một cái chòi cao dựng trên một chạc cây lớn. Người trên chòi thấy họ, liền gõ mõ. Một lúc sau có người từ trong bản tiến ra, vai đeo khẩu súng kíp rất dài. Chí Kiên nói với người ấy một lúc, người ấy mới cho Vư vào bản. Chí Kiên bảo:
- Du kích đấy! Động này là động du kích.
Vư lặng thinh, không hiểu du kích là gì. Chí Kiên nói tiếp:
- Chúng tôi đánh Phăngki, bây giờ thì đánh Nhật.
- Cũng như vua Hơ mông tôi à?
Người kia cười:
- Chúng tôi không có vua.
- Thế ai đứng đầu?
- Việt Minh. Có một Việt Minh người Kinh dạy cả động lập quân du kích kháng chiến, đã mấy năm nay rồi. Phăng ki đến, quân Nhật đến thì chúng tôi đánh. Đã thắng mấy trận. Người Hơ mông cũng có những bản du kích đấy, ở Đường Thượng, Thái An, Cán Tỉ.
Chuyện càng rõ bao nhiêu thì cái đầu Vư càng sáng ra bấy nhiêu. Chí Kiên đưa Vư về nhà ông. Một chiếc nhà không to hơn nhà của người Hơ mông là mấy nhưng là nhà sàn nên cao. Nhà không có tường đá bao quanh như nhà người Hmông, chỉ có hàng dậu thưa.
Thấy chủ nhà múc nước rửa chân trước khi lên nhà, Vư làm theo; người Sủng Thầu không thế. Đàn chó săn lúc nãy hung tợn bao nhiêu thì bây giờ hiền lành bấy nhiêu. Con nào con ấy cum cúp leo thang lên nhà, tản đi khắp nơi, nằm ngồi khắp chỗ.
Nhà của người đi săn có khác, trên vách treo đầy những đầu nai, gạc hươu, sọ hoẵng. Có nhiều túi vải buộc túm đầu, sau này Vư mới biết đó là túi xương khỉ để nấu cao. Một cái túi rất to đựng xương của cả một con hổ, cũng để nấu cao.
Chủ nhà bảo vợ con làm cơm cho Vư. Bọn trẻ tay làm chân bước mà con mắt chốc chốc lại nháo lên nhìn Vư. Chúng khúc khích cười. Chưa một người Hơ mông nào tới nhà chúng. Đã thế, thằng bé Hơ mông này trông cũng hay hay.
Một lúc sau có người thanh niên bước vào nhà. Có lẽ anh không hơn tuổi anh Dẻ của Vư là bao. Chí Kiên nói:
- Người Việt Minh lúc này tôi nói đấy. Anh ấy là người Kinh tên là Hùng.
Hùng xiết chặt cánh tay Vư:
- Nghe có người nói, tôi vội đến. Bản em ở có xa đây không?
- Xa! Nhưng không biết ở đâu đâu!
Chí Kiên giải thích:
- Nó bị lạc đường. Sao lại lạc?
- Bị người ta đuổi cả nhà, cái nhà bị người ta đốt cháy hết rồi.
Chí Kiên lại nói:
- Anh Hùng còn ở xa hơn Vư nhiều đấy. Tận cái nơi có cái biển.
Vư vui hẳn lên:
- Biển à? Tôi có nghe nói rồi đấy, hồi đi gặp vua của tôi, có người kể cho biết biển rộng lắm. Đứng trên Mã Pì Lèng nhìn xuống thấy con sông Nho Quế nhỏ như sợi chỉ, nhưng đứng trên cao mấy vẫn không thấy bờ bên kia của biển, có phải thế không? Vương Chí Sình đã biết biển rồi đấy. Ông ấy có bốn vợ. Bà thứ tư người Hà Nội. Bà ấy đã đưa ông Chí Sình đi biển Đồ Sơn. Ông ấy cái gì cũng biết. Vua mà! Thế Hà Nội, Đồ Sơn xa lắm à?
- Xa. Tôi quê Đồ Sơn mà. Ở đấy cũng có núi nhưng không cao bằng đây. Rừng cây cũng thưa. Rừng ở đấy do người trồng.
- Trồng được rừng à? Ông trời khắc sinh ra nó chứ?
Cơm đã dọn ra, Hùng cười, bảo Vư:
- Ăn cơm đã. Ăn rồi anh kể chuyện biển, chuyện Đồ Sơn cho em nghe.
Vừa ăn vừa nói chuyện không vui à?
- Vui chứ! - Hùng cười - Ta vừa ăn nói chuyện.
Bữa ăn vui chuyện kéo dài khá lâu. Đêm đó Vư ngủ trong nhà người Dao. Lạ chỗ cũng khó ngủ nhưng không còn lo lắng gì nữa. Một đêm kinh hoàng và một ngày tốt lành đã trôi qua.
Xem thêm