Cao nguyên bí ẩn - Chương 1: Hỏa tốc! Hỏa tốc!

"Cao nguyên bí ẩn" của Lưu Văn Khuê là tác phẩm nhà văn viết về cao nguyên đá Đồng Văn trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Thiên nhiên, con người, đời sống của đồng bào vùng cao hiện lên rất sinh động, hấp dẫn và đầy kí bí. Mời các bạn hãy khám phá nhé.

CHƯƠNG 1: HỎA TỐC! HỎA TỐC! 

Dường như không một âm thanh nào khác ngoài tiếng vó ngựa dồn dập và tiếng quát tháo của người cưỡi ngựa. Người ấy phải đến được Phó Bảng trước khi trời sáng để báo cho vua của người Hơ mông biết một tin động trời. Đoạn đường nguy hiểm nhất, từ Hà Giang đến Quản Bạ, anh đã vượt qua với nhiều lần dường nhưng đã cầm chắc cái chết. Đoạn còn lại này không nguy hiểm lắm nhưng lại hết sức vất. 
Đèo cao dốc núi, lại phải đi đêm khi cả người lẫn ngựa đều đã kiệt sức. Sẩy chân là lăn xuống vực chết mất xác hoặc chỉ ngã phải đá tai mèo cũng đủ vỡ đầu, thủng ngực. Anh đã phải mấy lần thay ngựa, cứ đến trạm ngựa là thay. Ăn trên lưng ngựa, uống trên lưng ngựa, mệt quá thiếp ngủ cũng trên lưng ngựa, đi như gió cuốn, như tên bắn. Hai con ngựa sau không con nào làm anh vừa ý. Càng nghĩ càng thương tiếc con tuấn mã bị bắn chết ở chân dốc Cổng Trời. Nghe thấy tiếng súng phía trước, đang trên con đường chỉ rộng vừa một sải tay, không còn cách nào tránh đạn, nó đã chồm lên hất tuột anh xuống đất, căng bộ ngực lớn như thân cây sa mu già, thay chủ hứng trọn một băng đạn.
Con tuấn mã cứu được anh nhưng cú hất của nó làm anh đau. Anh vốn đã bị thương. Phát đạn trúng ở Nậm Thà chẳng hiểu có làm gãy xương không mà đau quá, buốt đến tận óc, cái tay cứ muốn rời khỏi vai.
Khoảng nửa đêm, người đưa tin tới chân đèo Phố Cáo. Ngọn lửa của trạm ngựa dập dờn phía trước, đỏ như mắt hổ. 
- Thay ngựa! - Anh nói và chỉ nói được có vậy thì con ngựa bỗng rùng mình rồi cứ thế khụy xuống, kéo theo anh lăn xuống đất trước trạm ngựa.
Từ trong trạm, một chú bé chạy ra, tay cầm đuốc.
 - Sao lại thế này? Chú bé hốt hoảng.
Anh không trả lời được, mắt đã dại hẳn đi. Chú bé xốc nách lôi anh vào nhà, méo mặt vì anh quá nặng. Chú cuống quít cho thêm củi vào bếp, nấu vội nồi nước ấm, lau người cho anh, ấp khăn nóng rất lâu trên vết thương. Anh dần dần tỉnh lại, mở mắt nhìn quanh. Chỉ thấy một chú bé đứng bên, anh nhăn mặt hỏi: 
- Người lớn đâu? 
- Nó đi ăn cưới, đã hai ngày nay chưa về. Chắc rượu say không về nổi.
Anh văng tục một câu, bảo:
- Cho tôi mượn con ngựa khác. Tôi phải đến Phó Bảng trước khi trời sáng.
- Mày không đi được nữa rồi
- Phải đi.
- Tôi đi cho.
Anh định bảo: "Mày đi sao được!" nhưng nhận ra cặp lông mày nét mác đậm như vệt mực, cái cằm vuông bướng bỉnh và đôi mắt rất sáng của chú bé, anh thở dài:
- Ừ, mày phải đi. Tôi nhìn mày, thấy đi được đấy. Tôi đau quá, đi thì chết dọc đường. 
Anh dặn chú bé mọi điều, còn cẩn thận bắt chú ta nhắc lại.
- Mày chỉ được nói với vua Chính Đức hay con ông là Chí Sình, không được nói với bất cứ ai. Nhưng vua ta giờ này chắc đang ở Sà Phìn. Vua đã ở đấy thì Chí Sình phải ở Phó Bảng... Sai lời tôi, con hổ nó vồ mày! Cầm lấy vật này làm tin, nếu dọc đường có chuyện chẳng lành, phải chết, thì mang vật này chết theo, không được để nó rơi vào tay ai. Sai lời tôi, mày chết mày thành con ma mồ côi! Tên mày là gì? Tôi là Tráng A Phầu.
- Tôi là Thào Mí Vư. 
- Tôi nhớ cái tên mày rồi. Có chết, tôi làm con ma, con ma tôi vẫn nhớ cái tên mày. Làm đúng điều tôi dặn, con ma tôi đem nhiều cái tốt cho mày, sai lời tôi...
Vư thấy nóng hết hai cái tai. Quàng ngay cái vật làm tin vào cổ, chẳng cần xem nó thế nào mà nếu chết cũng phải mang theo, Vư đứng phắt dậy, định bảo: "Nói gì mà nhiều thế, toàn là cái lời cay độc, cái tai tôi không muốn nghe nữa đâu", nhưng thấy người nọ nhăn nhó đau đớn, bèn hạ giọng - Mày chẳng chết đâu. Rượu đây, uống cho nó ấm cái bụng. Chờ người đi ăn cưới tỉnh rượu nó về. 
Vư cùng ngựa Sơn Thượng Phi lao trong đêm, Vư chỉ nghe thấy gió ù ù bên tai, bóng núi bóng cây lướt chạy về phía sau, nhoáng nhoàng cuốn theo vó ngựa. Người Trung Quốc ấy nói quả không sai, Sơn Thượng Phi là một con ngựa tuyệt vời. 
Năm kia, Vư theo bố dắt ngựa đi chợ Phó Bảng, một người Trung Quốc cứ ngắm mãi con ngựa, khen rằng nó tốt, vó có sức đi ngàn dặm, đi mà như bay trên núi. Và người ấy đặt tên cho nó là Sơn Thượng Phi. Bố Vư nhận cái tên hay ấy, kéo người nọ uống rượu tới nửa ngày mới chia tay. Trời chưa sáng rõ, chim coóc-co gáy mà cái giọng còn chưa đủ nặng để rụng xuống đất, núi non vẫn còn lơ mơ mờ mịt, Sơn Thượng Phi đã gõ móng dồn dập trên lối vào Phó Bảng. Cái đồn Pháp còn ngủ kỹ hơn nữa, Vư phóng ngựa qua trước mặt mà nó không hề biết, lá cờ tam tài rũ nặng sương đêm. 
"Cứ ngủ đi cái đồn Phăng ki ơi, mày sắp chết rồi mà mày chưa biết gì đâu. Tao đem đến cho vua ta cái tin mày sắp chết đây." Vư nhủ thầm và cười. Trong khi đó, con Sơn Thượng Phi vút một cái đã bỏ cái đồn đang ngủ lại phía sau, vọt lên đỉnh dốc, lao chéo qua chợ. Vư ghì cương, móng sắt ngựa siết trên mặt đất thành những vệt ngắn, thoảng khét mùi đất cháy. Người, ngựa dừng trước căn nhà lớn bên chợ.
Vư xuống ngựa. Giờ mới thấy run. Đi chợ này đã nhiều nhưng Vư chưa bao giờ dám nhìn lâu căn nhà ấy. Vậy mà bây giờ phải vào đấy! Cố giữ cho cái tim khỏi đập mạnh, Vư lôi từ trong túi ngực áo ra cái vật làm tin. Hoá ra nó là chiếc răng hổ được buộc vào một sợi dây rất chắc. Vư trao nó cho người gác cửa: 
- Tôi có cái tin cho ông Vương Chí Sình.
Người gác tròn mắt nhìn chú bé và cầm chiếc răng hổ soi xét rất kỹ. Chỉ khi nhận ra những dấu vết hết sức tinh vi mà chỉ riêng anh mới được biết, anh ngẩng lên hất hàm:
- Vào đi!
Được vào nhưng Vư vẫn phải đứng ở phòng ngoài. 
Một người khác nữa cầm chiếc răng hổ vào nhà trong trình báo Chí Sình, Chí Sình dậy từ lâu, đang tập võ. Những bà vợ bận rộn chuẩn bị quần áo và bữa sáng cho ông. Nghe nói có một chú bé cần gặp, ông hơi ngạc nhiên nhưng gật đầu cho phép vào.
Cái hồn Vư bay gần hết trước con người uy nghiêm mà hàng vạn người Hơ mông vừa yêu quý vừa khiếp sợ. Vư không dám nhìn mặt Chí Sình, bỗng chốc quên hết những điều A Phầu dặn khi đêm. Thấy vậy, Chí Sình ôn tồn bảo:
- Đem đến cái tin ta cần, có gì phải sợ.
Cái đầu Vư dần dần nhớ lại. Vư lần lượt kể mọi việc. Chí Sình hỏi đôi ba câu rồi nói:
- Theo người của ta tới chỗ nghỉ. Muốn gì cứ bảo.
Vư đi rồi, Chí Sình lệnh gọi ngay mấy tướng tâm phúc, một người tức tốc đem hai trăm quân gấp xuống Cổng Trời, chặn đường lên cao nguyên, một người khác ban lệnh đóng cửa biên giới, sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu nhất. Con ngựa khoẻ nhất của nhà Vương cùng với người đưa tin gấp đi Mèo Vạc, tới Sà Phìn cấp báo cho vua cha là Chính Đức.
Xong mọi việc, Chí Sình mới ra hiệu dọn cho mình bữa sáng. Một chén rượu thuốc, một bát thắng cố, một cái bánh bột ngô, đó là bữa sáng của ông. Ăn sáng xong, Chí Sình cho người sang bên đồn Pháp mời viên chỉ huy qua chỗ ông nói chuyện.
Viên chỉ huy Pháp có bộ mặt hốc hác khác thường, nhưng vẫn tỏ ra vui vẻ như mọi khi:
- Chiều nay mời ông sang đồn, tôi mới có một chai vang Prôvăngxơ tuyệt hảo. 
- Không có buổi chiều đó để bình tĩnh uống rượu đâu, ông Gastông. Chắc ông đã biết một tin hết sức quan trọng? 
- Tin gì, thưa ông Vương? 
Chí Sình cười: Có khi các ông còn biết sớm hơn chúng tôi vì các ông có những máy móc nghe được tin tức từ xa. Ông đừng có giấu, trông mặt ông tôi biết ông đã trải qua một đêm thức trắng để nghĩ cách đối phó. Ông chả phờ phạc ra đấy thôi. Gastông cười nhăn nhúm: 
- Ồ, một chuyện riêng tư thôi mà 
Chí Sình lạnh lùng: 
- Các ông đã bị người Nhật lật đổ trên toàn cõi Đông Dương.
Mặt viên sĩ quan Pháp bợt đi. Cố lấy giọng bình tĩnh, ông ta nói: 
- Vậy thì ông đứng về phía nào, chúng tôi hay người Nhật?
- Ông chỉ nên biết điều này: Hiện nay chúng tôi đã cho tăng quân ở Cổng Trời. Người Nhật lọt qua được đấy cũng khó. Cũng có nghĩa là chúng tôi giúp cho các ông có thì giờ chạy sang Trung Quốc. Chỉ có điều là chúng tôi có nên mở cửa biên giới hay không...
- Ồ, tưởng gì! Nếu muốn sang Trung Quốc, chúng tôi sẽ nổ súng để buộc cánh cửa biên giới phải mở 
- Ông hợm mình không đúng lúc rồi, ông Gastông! Các ông hoàn toàn đang bị giam lỏng. Có để các ông rơi vào tay quân Nhật hay không lúc này đều do chúng tôi. Mà chẳng cần đợi đến người Nhật, chính người Hơ mông giờ đây thừa sức buộc các ông phải hạ vũ khí. Người Phăng ki bấy lâu nay được yên chẳng qua do người Hmông không muốn đổ máu. Cái thời các ông đè bẹp những cuộc khởi nghĩa của Sùng Mí Chảng, Vàng Chỉn Pang và Sùng Chứ Đa đã qua lâu rồi. Chúng tôi hiện có năm trăm tay súng, đủ sức bóp nát cái đồn của ông. Ông chẳng biết điều gì cả, tình thế của các ông hiện nay tồi tệ hơn lúc nào hết. Thôi được, ông có thể về để suy nghĩ thêm. Còn nếu ông muốn đổ máu thì người Hơ mông cũng không tiếc máu mình. 
Viên sĩ quan Pháp thần người ra một lúc rồi hạ giọng:
- Chúng tôi chấp nhận qua biên giới sang Trung Quốc, xin các ông mở cửa. Ông có lý, chúng ta không cần phải đổ máu một cách vô ích. Nhưng ông nên nhớ, sẽ có ngày chúng tôi trở lại.
- Những chuyện sau này, khi đó hãy hay. Dẫu thế nào thì xin ông hãy nhớ đến ngày hôm nay, chúng tôi đã tạo cho ông một con đường thoát bằng phẳng, trong khi đủ sức thừa dịp để trả thù. Chúng tôi chờ dịp phục thù đã mấy chục năm nay rồi.
 Chưa cần đến chiều, ngay trưa hôm đó, những người lính Pháp cuối cùng đã qua biên giới, lặng lẽ rời khỏi cao nguyên. 
Chập tối, vua Chính Đức từ Sà Phìn xuống Phó Bảng đã hết sức khen ngợi cách xử trí khôn ngoan của con. Ông bảo:
- Ta nghĩ, đã đến lúc ta nhường cho con định liệu mọi việc. Con khôn ngoan hơn ta nhiều. Người Hơ mông ta bao đời phiêu bạt, lang thang không chốn nương thân. May tới được đất này. Cao nguyên nơi đây dung ta, những vạt đất, hòn đá, giọt nước, cái cây ở đây nuôi sống ta. Yên ổn được hai trăm năm thì người Phăng ki đến. Mắt họ xanh, tóc họ quăn, cái mũi thì khoằm, ăn nói liến láu, đâu phải người đất nước này mà lại bắt ta khuất phục. Nên ông Sùng Mí Chủng mới kêu gọi người Hmông đứng lên, lấy núi Tú Sản làm căn cứ, ông Vàng Chỉn Pang cũng kêu gọi người hơ mông vùng dậy, lấy sông Nho Quế, núi Mã Pì Lèng làm chốn hiểm trở, ông Sùng Chứ Đa hùng cứ vùng Đường Thượng. Bên kia sông Hồng bà con ta thì theo Giàng Pạ Chay. Tất cả cùng với người Kinh, người Tày, người Thái và những người khác đứng lên chống lại Phăngki. Nhưng người Hơ mông ta ngày ấy chỉ có tên nỏ, không chống nổi Phăngki có cái súng nổ to như đá lở, vừa nghe thấy tiếng nổ mà người ở tít xa đã phải chết! Người Hmông đành chịu thua. Mất thủ lĩnh, người Hmông như con rắn không đầu. Nhưng con thằn lằn mất đuôi khắc mọc đuôi mới, người Hơ mông không còn thủ lĩnh cũng khắc tìm ra thủ lĩnh mới. Rỗi ta được tôn làm vua, hùng trấn một ngả biên cương, khôn khéo sống bên người Tày, người Phăngki. Giờ ta đã biết cách uốn sắt làm được súng. Nhưng đánh đuổi Phăngki thì sức Hơ mông chưa làm nổi. Ngược lại Phăngki cũng không đủ sức loại bỏ ta. Ta sống với họ như cái gai này phải sống cạnh cái gai khác. Còn đã xử trí rất khéo. Nay người Nhật thắng nhưng biết đâu mai người Phăngki quay trở lại. Chính Đức ra phía cửa sổ, mơ màng nhìn về chốn xa xăm:
Ta nghe nói đã có một thủ lĩnh người Kinh chung cho tất cả các dân tộc trên đất nước mình. Ông ấy đang tìm cách tập hợp mọi người giành lại đất nước. Ta muốn gặp ông ấy... Nhưng con ơi, gọi rượu đi, cha con mình cùng uống, mừng cho cao nguyên dù có thể chỉ vắng bóng ngoại bang có ít ngày.
Rượu được rót đầy tràn các miệng bát. Cha con vua H'mông lặng lẽ nhấp vị cay của rượu.


(*) Xem thêm

Bình luận
  • Đánh giá của bạn
Đã thêm vào giỏ hàng