7 thói quen để có cuộc sống khỏe mạnh
Đau ốm vẫn có thể làm việc được, nhưng giữ gìn sức khỏe vẫn là một bổn phận. Ta nên biết ít nhiều về y học thường thức để tìm hiểu cơ thể của ta, tìm hiểu thể chất của ta. Nên lập cuốn sổ sức khỏe. Cảm xúc ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ. Cuối cùng sẽ là 7 lời thói quen để có cuộc sống khỏe mạnh của bác sĩ John Schindler.
TRONG PHẦN NÀY CHÚNG TÔI SẼ TRÌNH BÀY 5 VẤN ĐỀ:
2. Nên biết ít nhiều về y học thường thức để:
- Tìm hiểu cơ thể của ta
- Tìm hiểu thể chất của ta.
3. Nên lập cuốn sổ sức khỏe.
4. Cảm xúc ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ.
5. Bảy lời khuyên của bác sĩ John Schindler.
PHẦN 1: ĐAU ỐM VẪN CÓ THỂ LÀM VIỆC ĐƯỢC, NHƯNG GIỮ GÌN SỨC KHỎE VẪN LÀ MỘT BỔN PHẬN
Tôi vẫn biết có những người đau ốm quanh năm mà vẫn làm việc được, làm việc rất đắc lực là khác nữa. Chẳng hạn thi hào Marcel Proust của Pháp, bị bệnh suyễn, sợ tiếng động, sợ mọi mùi hương, phải đóng cửa kín mít suốt ngày - cửa và tường lại có một lớp cách thanh - sống như con cú hằng chục năm, mà sáng tác được một tác phẩm bất hủ dày trên bốn ngàn trang, bất hủ vừa về nội dung nhờ những nhận xét tâm lý rất tinh vi vừa về hình thức nhờ một bút pháp cực kỳ mới mẻ, tức bộ A la recherche du temps perdu, một bộ in mười lăm năm (1913-1928) mới xong, đã ảnh hưởng rất lớn đến văn học hiện đại của Pháp.
Nhưng Marcel Proust vẫn chưa đáng kinh bằng Darwin, nhà vạn vật học Anh ở thế kỷ trước, tác giả có vô số công trình nghiên cứu, mà công trình lớn nhất đã gây biết bao giông tố trong dư luận đương thời, một công trình viết hàng chục năm rồi lại sửa chữa mười hai năm nữa, tức bộ De l’origine des espèces par voie de sélection naturelle. Ông bị bệnh gì tôi không rõ: cứ theo Jean Guitton trong cuốn Apprendre à vivre et à penser thì mỗi ngày ông chỉ làm việc được có hai giờ trong buổi sáng và mỗi khi đọc được độ mười phút cho con ông chép rồi ông lại: “Thôi, ngừng để ba nghỉ”.
Tôi lại biết có những người tàn tật mà sung sướng hơn cả các vua chúa. Tức như bà Helen Keller đui câm từ hồi nhỏ, không có chồng con, sống với một cô giáo nghèo, phải kiếm ăn một cách rất vất vả, vậy mà luôn luôn lạc quan, cho rằng đời sống thực đẹp đẽ, đầy hạnh phúc; còn Nã Phá Luân, có hồi làm chủ hai phần ba châu Âu thì khi sắp mất lại phàn nàn rằng cả đời mình không có lấy được sáu ngày sung sướng. Và điều này mới đáng cho ta khâm phục: đui và câm mà bà viết được mười một cuốn sách.
Clarence Day trong chiến tranh Hoa Kỳ - Y Pha Nho cũng bị tàn tật, mà cũng không than thân, trách phận, lại còn cột cây viết chì vào ngón tay để viết một cuốn ca tụng Chúa, tức cuốn Life with Father (Đời sống với Chúa) đã làm cho vô số người cảm động.
Không, đối với những người có chí và lạc quan thì bệnh tật không đáng kể; họ vẫn yêu đời và càng gặp bất lợi thì lại càng phấn đấu để chuyển bất lợi thành thắng lợi.
Tuy nhiên, đã có chí, có tinh thần lạc quan mà có thêm sức khỏe dồi dào thì vẫn hơn; còn đối với bọn thường nhân chúng ta, chí đã kém, tinh thần lại hẹp hòi thì sức khỏe là cần nhất. Nhờ có sức khỏe ta mới dễ làm việc, dễ vui vẻ; mà chúng ta vui vẻ thì người chung quanh chúng ta mới được vui vẻ. Cho nên giữ gìn sức khỏe là một bổn phận.
Đã có nhiều sách chỉ những phương pháp luyện tập thân thể để giữ gìn sức khỏe. Đại loại những phương pháp đó không khác nhau mấy và đều có hiệu quả chắc bạn đã biết dư rồi, tôi khỏi phải phê bình, giới thiệu. Tôi chỉ xin góp thêm một ý kiến nhỏ dưới đây, một ý kiến của riêng tôi nên tôi không dám nhận là đúng. Bạn theo hay không, tùy ý.
Trừ phi bạn muốn thành một lực sĩ để đoạt những giải quán quân trong môn này hay môn nọ và để hy vọng một ngày kia vẻ vang cho nước nhà ở các cuộc thế vận như cuộc thế vận ở La Mã vừa rồi thì không kể; còn thì không nên quá mất thì giờ vào công việc luyện tập thân thể.
Kem xoa bóp ấu tẩu trị vết bầm dập, đau nhức xương khớp
Nhưng chỉ vận động thôi cũng chưa đủ. Còn phải tìm hiểu cơ thể của mình, biết cách dinh dưỡng để đề phòng bệnh tật nữa.
Từ sau thế chiến vừa rồi, ở Âu Mỹ loại sách phổ thông khoa học rất thịnh hành, mỗi ngày một phát triển mạnh, nhất là loại sách báo phổ thông y học. Đó là một bước tiến lớn của nhân loại.
PHẦN 2: NÊN BIẾT ÍT NHIỀU VỀ Y HỌC THƯỞNG THỨC ĐỂ TÌM HIỂU CƠ THỂ, THỂ CHẤT CỦA TA
Tôi cho rằng ở ban trung học, chương trình vạn vật học có thể rút đi được một nửa để tăng cường thêm môn sinh lý và vệ sinh. Biết những loài rắn ở Châu Phi, loài gấu ở Bắc Mỹ, loài rong ở Hồng Hải, thì cũng thú thật, nhưng không quan trọng bằng biết hơi kỹ kỹ một chút về cơ thể của ta, nhất là cách đề phòng những bệnh thông thường, tôi nói những bệnh thông thường chứ không phải chỉ riêng những bệnh truyền nhiễm.
Tôi đau bao tử đã mười mấy năm mà năm sáu năm đâu cứ ngỡ là đau gan vì mấy ông bác sĩ gà mờ bảo tôi là đau gan. Cho nên tôi nghĩ ở ban trung học, đem dạy y học thường thức thì có lợi cho quốc dân rất nhiều. Ở trường đã không được học thì ra đời chúng ta học lấy vậy.
Trước hết bạn nên tìm hiểu cơ thể của mình. Bác sĩ Paul Noel trong cuốn Fais ton chemin (J.Oliven - Paris), đã viết một chương để phổ thông những điều cần biết về cơ thể mà tôi tóm tắt lại dưới đây.
Mỗi bộ phận trong cơ thể của ta đều do vô số tế bào hợp thành và do những dây thần kinh chỉ huy, Óc như một trung tâm điện thoại luôn luôn liên lạc với ngũ tạng (tim, phổi, bao tử...) và ngũ quan (mắt, mũi, tai...).
Tất cả các tế bào đều làm việc và cần có thức ăn. Cơ quan tiêu hóa biến đổi thức ăn thành chất bổ; cơ quan tuần hoàn đem chất bổ lại các tế bào rồi lấy những chất dơ ở các tế bào đem lên phổi, lại thận, lại ruột, ra nước ora, mom ngoài da để bài tiết những chất dơ đó (hơi thở, tiểu, phân, mồ hôi).
Tại mỗi tế bào có một công việc hóa học nó tiết ra một sức nóng, tức nhiệt độ của ta. Người ta gọi hiện tượng đó là sự nhiên thiêu của cơ thể (combustion organique). Sự nhiên thiêu ấy được điều hòa bằng một hệ thống thần kinh và hạch. Hạch chia làm hai loại: nội tiết tuyến (như gan, mật, thận...) và ngoại tiết tuyến (như hạch nước miếng, hạch mồ hôi...). Nội tiết tuyến tiết ra những chất kích thích tố (hormone) và những chất này vào máu, làm cho mỗi bộ phận trong cơ thể ta hoạt động mạnh hơn hay chậm lại, do đó ta thấy hăng hái hoặc uể oải, vui hoặc buồn, chú ý hoặc đãng trí...
Hai nội tiết tuyến rất quan trọng là giáp trạng tuyến (thyroide) và tùng quả tuyến (hypophyse).
- Giáp trạng tuyến ở trước họng làm tăng sự nhiên thiêu, kích động các dây thần kinh và bắp thịt, ngăn cản sự súc tích mỡ. Nếu hạch đó không sung túc thì tim đập chậm, người mập lên và sự thông minh cũng kém. Nhiều trẻ học dở, chậm chạp nếu chích cho mỗi ngày một chất rút ở hạch đó, thì tấn tới lên trông thấy.
- Tùng quả tuyến ở dưới não, nếu hoạt động không điều hòa thì làm cho trẻ chậm lớn cả về thể chất lẫn tinh thần: bé nhỏ, gầy ốm, ngây ngô.
Lá gan cũng là một nội tiết tuyến có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của ta. Những tế bào của nó tiết ra vô số chất hóa học cần thiết cho sự hoạt động điều hòa của nhiều bộ phận. Nếu gan yếu thì thận bị ảnh hưởng, bộ phận sinh dục cũng yếu, rồi có thể sinh ra bón, mất ngủ, mệt mỏi, gầy ốm, gắt gỏng.
Ngoài ra còn mật, lá lách, hạch thượng thận (ở trên trái thận), hạch sinh thực... Tất cả những hạch đó quan mật thiết với nhau, nếu điều hoà thì ta mạnh khoẻ, vui vẻ, hoạt động, thông minh. Mà sự chỉnh đốn, phối trí của chúng là nhờ bộ thần kinh. Bộ này chia làm hai hệ thống:
1) Hệ thống trung ương nó phân bố các dây thần kinh tới ngũ quan và các bắp thịt, làm cho ta cử động, suy nghĩ.
2) Hệ thống giao cảm gồm nhiều thần kinh tiết ở dọc theo xương sống. Chức vụ của nó là điều khiển bộ tuần hoàn, ngũ tạng và các hạch. Nó hoạt động không theo ý muốn của ta, ta không thể kiểm soát nó được.
Nó lại chia làm hai bộ phận:
- Orthosympathique (chân giao cảm) kích thích bộ tuần hoàn, nhưng trái lại làm cho bao tử căng ra, hoạt động chậm lại.
- Parasympathique (phản giao cảm) làm cho sự tuần hoàn chậm chạp, nhưng lại kích thích bao tử, làm cho nó thun lại.
Dưới đây là một bản ghi ảnh hưởng tới cơ thể của hai bộ phận đó:
ORTHOSYMPATHIQUE | PARASYMPATHIQUE |
Sáng dậy hăng hái mà chiều thì thấy mệt. | Sáng thấy uể oải, chỉ làm việc đắc lực từ bốn giờ chiều trở đi |
Tim đập mau, hay hồi hộp. Huyết áp cao, da hồng hào. Mạch máu đập mạnh ở thái dương và tai. Đau ở ngực. | Tim đập chậm. Huyết áp thấp, da tái mét. Thiếu huyết ở óc, hay chóng mặt, té xỉu. Tiêu hóa chậm. |
Thấy nặng ở bao tử. Hay ợ hơi. Bón. Da khô. |
Bao tử giật giật (apasme). Ruột cũng vậy. Đau bụng. Đi tướt Da ướt, mồ hôi nhiều. |
Cơ thể và tinh thần bị kích thích, quạu quọ, giận dữ, không bình tĩnh. | Cơ thể và tinh thần mệt mỏi hay buồn chán, lo lắng. |
Đọc bảng đó, bạn có thể nhận được một vài triệu chứng thông thường của mình (nước da, mồ hôi, tiêu hóa, tính tình) mà đoán được bộ phận orthosympathique hay parasympathique của mình không điều hòa. Nếu hai bộ phận đó điều hòa với nhau là bạn mạnh, trái lại là đau. Y học ngày nay đã bắt đầu có khuynh hướng không quá chú trọng vào cách giết vi trùng để trị bệnh nữa mà chú trọng vào cách giữ gìn và gây lại sự quân bình trong cơ thể, sự điều hòa của hệ thống giao cảm.
Trong đoạn trên tôi chỉ mới gợi ít vấn đề mà bạn nên tìm hiểu thêm trong các sách y khoa. Tôi cho rằng không có gì bổ ích, thiết thực bằng loại sách đó.
♦♦♦
Đứng về một phương diện khác, các bác sĩ và các nhà tâm lý học còn chia ra bốn hạng người:
- Hạng thần kinh chất: mắt sáng, ưa hoạt động, tưởng tượng mạnh, có sáng kiến nhưng không bền chí. Hạng này nên ngủ sớm và đúng giờ, không nên dùng nhiều chất kích thích như rượu, trà và cà phê đậm, nên tập những môn thể dục nhẹ nhàng.
- Hạng huyết chất: nhiều huyết, da hồng hào và nóng, ăn nhiều, ngủ cũng nhiều, rất hoạt động, dễ cảm, nhưng nông nổi. Có thể thức khuya, dùng những chất kích thích và tập những môn thể dục mạnh mẽ vì hạng này trái với hạng trên, dễ an phận.
- Hạng đảm chất: trong máu có nước mật, da thường nóng, khô, vàng, nhiều xương, ít thịt, tính tình nóng nảy, hiếu thắng, hay ghen. Nên ăn và uống những món có tính chất dịu thần kinh, nên ở chỗ tĩnh.
- Hạng lâm ba chất: có nhiều mỡ, da mát, bắp thịt nhão, làm biếng, không hoạt động. Nên vận động nhiều giữa thiên nhiên, sống trong đoàn thể.
Bạn tự xét xem ở trong hạng nào rồi nhờ một bác sĩ giỏi chỉ cho cách dinh dưỡng, cách làm việc cho hợp với tính tình của bạn (hợp nghĩa là phát triển được những ưu điểm, bồi bổ được những khuyết điểm) và cho sức khỏe được dồi dào.
♦♦♦
PHẦN 3: NÊN LẬP MỘT CUỐN SỔ SỨC KHỎE CHO RIÊNG MÌNH
Nhưng muốn biết rõ cơ thể của ta không gì bằng giữ một cuốn sổ mà tôi gọi là sổ sức khỏe. Tôi thấy công việc đó rất hữu ích, rất quan trọng mà từ trước tới nay không một ai chỉ bảo cho cả.
Tôi nghe nói một số y sĩ có lương tâm ở Âu Mỹ khi coi mạch cho một bệnh nhân, hỏi kỹ về những bệnh của cha mẹ, ông bà bệnh nhân, rồi về những bệnh từ hồi nhỏ của bệnh nhân, sau mới hỏi về bệnh đương mắc. Tôi lại nghe nói ở một số trường tại Âu Mỹ, mỗi trẻ có một cái thẻ ghi sự phát triển cùng các bệnh tật, kết quả của các lần rọi kính, ngày tháng những lần chích thuốc ngừa bệnh... Thẻ đó giữ trong hồ sơ của trẻ và theo trẻ mỗi khi trẻ đổi trường.
Ở nước ta chưa được hưởng những văn minh đó, nên ta phải tự lập lấy một sổ riêng cho ta. Trong sổ đó ta sẽ ghi:
- Bề cao bao nhiêu.
- Cân nặng bao nhiêu.
- Đã chích ngừa những bệnh nào.
- Kết quả các lần thử nghiệm:
+ Thử máu.
+ Thử phân.
+ Thử nước tiểu
+ Thử đàm.
- Từ hồi nhỏ thường bị những bệnh gì, đã có lần nào đau nặng chưa, đau bệnh gì?
- Và mỗi khi đau hơi lâu (nhức đầu, sổ mũi, ho qua loa... thì không đáng kể), ghi:
+ Những triệu chứng của bệnh.
+ Nhiệt độ ra sao.
+ Phân, nước tiểu ra sao.
+ Dùng những thuốc gì, công hiệu của thuốc ra sao, ăn ngủ ra sao.
- Bạn nên chú trọng nhất đến các bộ phận:
+ Hô hấp.
+ Tiêu hóa.
+ Tuần hoàn.
+ Bài tiết.
Nếu thấy một bộ phận nào không được điều hòa, nên hỏi một bác sĩ quen, giỏi, có lương tâm; đồng thời cũng nên kiếm những sách báo phổ thông y học mà tìm hiểu về bệnh đó. Bạn lại nên tìm hiểu thêm về các nội tiết tuyến và các sinh tố, về cách dùng các thứ thuốc thông thường.
Có bác sĩ khuyên từ ba mươi tuổi trở đi - tuổi đó là tuổi cơ thể bắt đầu suy lần lần mà ta không hay - mỗi năm nên nhờ bác sĩ khám kỹ các bộ phận trong cơ thể một lần. Được như vậy thì quý nhất, nếu không thì mỗi khi đau nặng, bạn nên yêu cầu bác sĩ nhân tiện coi kỹ cho tất cả các cơ quan, thử máu, thử nước tiểu (ông J. Ratcliff trong tạp chí Sélection du Reader’s Digest1958 nói thử nước tiểu là một trắc nghiệm y học mà cổ kim đông tây đều cho là thông thường nhất, quan trọng nhất), đo huyết áp, nếu cần thì rọi phổi và bao tử.
Kết quả ra sao bạn ghi cẩn thận trong sổ sức khỏe, như vậy liên tiếp mười năm thì bạn biết khá rõ cơ thể của mình và trong nhiều trường hợp bệnh nhẹ, bạn có thể trị bệnh lấy được.
Trị bệnh lấy, nghe ba tiếng đó chắc nhiều vị bác sĩ cho tôi là cả gan đến ngu xuẩn. Các vị ấy nghĩ sao thì nghĩ, tôi vẫn tin rằng một bác sĩ mới khám bệnh cho tôi lần đầu, dù có kinh nghiệm, có lương tâm cũng khó mà biết rõ cơ thể của tôi và những bệnh thông thường của tôi bằng tôi. Và tôi đã trị được lấy vài bệnh cho tôi sau khi hai ba vị bác sĩ mò không ra.
Nếu bạn thận trọng không dám trị bệnh lấy thì khi đi bác sĩ, đưa sổ sức khỏe của mình cho bác sĩ coi, bạn sẽ giúp bác sĩ rất nhiều để tìm ra căn do của bệnh.
Bạn nên lựa một bác sĩ giỏi, có lương tâm, đặt tín nhiệm vào ông và chỉ đi một ông đó; nếu gặp bệnh ông không chuyên môn thì nhờ ông giới thiệu một bác sĩ khác mà ông quen. Trị cho bạn nhiều lần, ông sẽ hiểu rõ cơ thể của bạn và sẵn lòng giảng giải cho bạn về y học thường thức, về vệ sinh. Còn nay đi ông này, mai đi ông khác thì chỉ là đem thân mình cho người ta thử thuốc một cách vội vã thôi.
Ai cũng biết rằng có tin thầy, tin thuốc thì bệnh mới mau hết. Mà muốn cho ta tin thầy, tin thuốc thì ta phải hiểu bệnh của ta và cách chữa của bác sĩ. Cho nên ta có quyền đòi hỏi bác sĩ giảng giải cho ta về bệnh và cách chữa. Những bác sĩ chích thuốc cho bệnh nhân mà khi bệnh nhân hỏi thì giấu tên thuốc là những người không đáng cho tôi tin.
♦♦♦
PHẦN 4: CẢM XÚC ẢNH HƯỞNG RẤT LỚN ĐẾN SỨC KHỎE
Sau cùng, bạn nên nhớ điều này: cảm xúc ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe.
Bác sĩ John Schindler trong cuốn Comment vivre 365 jours par an bảo rằng nếu làm chủ được cảm xúc thì chúng ta có thể tránh được già nửa những bệnh của ta, vì sau nhiều năm kinh nghiệm ở chức Giám Đốc dưỡng đường Monroe (Wisconsin - Hoa Kỳ) ông thấy rằng trên 50% trường hợp bệnh tật là do thất tình không điều hoà. Tại dưỡng đường Ochsner ở Nouvelle Orleans, người ta nhận xét 500 người bị các bệnh bao tử và ruột, và thấy có tới 74% đau là do cảm xúc. Tại Đại học đường Yale, 76% những người tới khám bệnh cũng đau vì buồn rầu, lo lắng, giận dữ...
Những cảm xúc khó chịu có hại cho cơ thể vì nó kích thích quá mạnh những bắp thịt, bộ thần kinh và các nội tiết tuyến; còn những cảm xúc vui vẻ làm cho các cơ quan hoạt động một cách điều hòa mà ta thấy khỏe mạnh, yêu đời.
Ai cũng nhận thấy rằng khi ta nổi giận lên, những bắp thịt ở cuống bao tử (pylore) thắt lại làm cho cả bộ tiêu hóa ngưng trệ. Đồng thời số huyết cầu tăng lên, tim đập nhanh gấp hai gấp ba lúc bình thường; huyết áp nhảy vọt lên một cách đáng ghê, từ số 11 hay 13 lên tới số 23, có thể làm đứt một mạch máu ở óc và té xỉu.
Thường thường những ảnh hưởng tai hại đó rất dễ thấy và ta có thể đề phòng được, chẳng hạn mỗi khi muốn nổi giận thì ráng nén đi bằng cách này hay cách khác. Nguy hiểm nhất là những cảm xúc âm thầm như thất vọng, buồn chán, lo âu; vì ảnh hưởng của nó chúng ta không nhận thấy ngay để kịp đề phòng; chúng cứ đều đều, chậm chạp từng chút từng chút một, phá hoại cơ thể mà không hay.
Mới mấy năm trước, hai nhà tâm lý học ở Đại học đường Cornell là H. Liddell và A. Moore đã thí nghiệm về loài vật. Họ buộc một sợi dây điện nhỏ vào cẳng một con cừu đương ăn cỏ ngoài đồng, và thỉnh thoảng cho một luồng điện rất yếu chạy vào sợi dây đó. Mới đầu bị điện giật, con vật chỉ cựa cái chân mà vẫn tiếp tục ăn cỏ như thường, dù giật nhiều hay ít thì cũng không làm cho nó quan tâm tới mấy.
“Rồi hai nhà nghiên cứu đó nghĩ cách làm cho một cái chuông kêu mười giây trước khi cho điện giật. Luồng điện cũng vẫn vậy, mà lần này thì hễ nghe tiếng chuông là con cừu ngưng ăn cỏ, lo lắng đợi lúc bị điện giật. Thí nghiệm vào những con vật khác, kết quả cũng vậy. Con vật nào cũng chỉ trong một thời gian ngắn là bị bệnh. Mới đầu chúng ngừng ăn, rồi đứng ỳ một chỗ, không đi đi lại lại nữa. Kế đó nó đứng không muốn nổi, sau cùng thở một cách khó khăn. Chắc chắn chúng sẽ chết nếu hai ông không ngừng cuộc thí nghiệm lại”.
Cảm xúc mạnh có thể làm cho ta thấy đau trong bắp thịt. Trong đại chiến thứ nhất, rất nhiều lính chiến đấu trong các hầm núp bị bệnh phong thấp, nhức xương. Mới đầu người ta tưởng tại sự ẩm thấp trong hầm núp. Nhưng trong đại chiến thứ nhì vừa rồi, người ta ngạc nhiên nhận thấy rằng dù tại những miền lạnh lẽo và ẩm thấp như quần đảo Aléoutienne, hay tại những nơi khô ráo, nóng nực như Bắc Phi, thì số lính bị nhức gân cốt cũng nhiều như nhau. Người ta còn nhận thấy rằng càng tiến gần tới mặt trận, số người bị bệnh đó càng tăng. Vậy bệnh của họ không do thời tiết, khí hậu mà do nỗi lo sợ của họ, nghĩa là do cảm xúc.
Bao tử dễ chịu ảnh hưởng của cảm xúc nhất. Khi vui vẻ thì ăn thấy ngon; khi buồn rầu thì không muốn ăn uống gì cả, nếu rán nuốt vào thì thấy như có cái gì ở trong bao tử, lâu dần sinh ra chứng lở bao tử. Bệnh này là một trong những bệnh khó trị nhất, nó làm cho sinh lực con người giảm đi mất phân nửa; ta thấy đời mất vui, làm việc hết hăng hái. Cổ nhân đã hiểu rõ ảnh hưởng của cảm xúc tới bộ tiêu hóa nên có câu: “Trời đánh cũng tránh bữa ăn”. Nhiều khi cảm xúc mạnh làm cho đau thắt ở bụng, đau ghê gớm, bác sĩ tưởng là có ruột dư hoặc có sạn trong mật, giải phẫu thì không thấy gì cả.
Trái lại những cảm xúc vui vẻ ôn hoà làm cho ta mạnh khỏe. Nó có hai công dụng:
- Nó đẩy lui những cảm xúc bất mãn khó chịu, nhờ đó tránh được nhiều bệnh.
- Nó ảnh hưởng tới tùng quả tuyến (hypophyse) mà hạch này chỉ nhỏ bằng hạt đậu, có công dụng điều hòa hầu hết những nội tiết tuyến của ta. Hạch tiết ra nhiều kích thích tố, thứ thì làm tăng huyết áp, thứ thì để co các bắp thịt nhẵn, thứ thì để tăng hay giảm sự bài tiết nước tiểu, sự hoạt động của hạch thượng thận, hạch sinh thực... Nếu ta vui vẻ thì tùng quả tuyến hoạt động điều hòa mà các nội tiết tuyến khác cũng hoạt động điều hòa, và cơ thể không bị bệnh tật.
Đó là những nhận xét của bác sĩ John Schindler trong cuốn Comment vivre 365 jours par an mà nếu có thể được bạn nên mua để đọc.
Nước tắm Dao Đỏ dành cho em bé DaodoBaby trị rôm sảy mụn nhọt
♦♦♦
PHẦN 5: 7 LỜI KHUYÊN CỦA BÁC SĨ SCHINDLER ĐỂ CÓ CUỘC SỐNG KHỎE MẠNH
Cuối cùng, bác sĩ khuyên ta bảy điều dưới đây để sống vui vẻ, khỏe mạnh:
1) Ráng hưởng những thú vui bình dị của đời sống.
Những thú vui đó luôn luôn có sẵn ở chung quanh ta và rất dễ hưởng. Bỏ cái thói tìm cái đặc biệt trong thú vui đi. Đời sống sẽ là một cuộc mạo hiểm kỳ thú nếu bạn biết tập sống chẳng hạn như các nhà vạn vật học danh tiếng, say mê vì sự điều hoà bất tuyệt của màu sắc, thanh âm, hình thể, hương thơm và thế giới diễm ảo lúc nào cũng đầy rẫy. Nếu theo gương những nhà đó, bạn biết tự hòa hợp với vạn vật, thì mỗi phút trong đời bạn sẽ là một cuộc dạo mát trên một con đường đầy thú vui hiện tại.
“Hồi tôi còn đi học, tôi được biết một nhà bác học như vầy. Ông không thèm đi xe hơi mà đi bộ để nhận xét mọi vật, và quả thực là trên một quãng đường một cây số ông tìm ra được nhiều cái kỳ diệu hơn là những kẻ ngồi trong xe hơi trên một con đường mười ngàn cây số. Ông biết những nơi có thứ lan nầy lan nọ trổ hoa. Ông lại có thể dùng mưu gạt một con chồn để tìm ra được hang của nó; ông nghiên cứu địa chất học, các vật hóa thạch và các hang trong núi (...) Tôi thấy có lần, ông bỏ ra cả một buổi chiều để nghiên cứu một loài nhện. Khi thiếu tiền, ông diễn thuyết hoặc viết một bài báo; nhưng ông không cần nhiều và có thể nói rằng ông giàu hơn hết thảy các nhà triệu phú hợp lại. Tất nhiên, không phải ai cũng có thể tập cái khả năng tìm cái vui trong những vật giản dị mà ta gặp hằng ngày trong đời sống.
2) Đừng để bệnh tật nó ám ảnh ta
Tôi có thể nói chắc rằng những kẻ khổ nhất trên đời là những kẻ đầu óc bị ám ảnh về bệnh của mình và lúc nào cũng chỉ lo ngay ngáy về nó. Mới bùng mắt dậy, họ đã tự hỏi: “Hôm nay mình đau chỗ nào đây?”
Có một sự thật kỳ cục này là nếu tự hỏi: “Mình đau ở đâu?” thì thế nào cũng kiếm được một chỗ đau thật. Và chỗ đau đó, vốn không quan trọng gì cả, nếu chú ý tới nó, thì thế nào cũng hóa trầm trọng lên gấp mười.
Một thân chủ của tôi, giám đốc một xí nghiệp, luôn luôn làm việc quá sức, thường thấy tức ở ngực. Lúc nào chú ý vào công việc thì quên nó đi; nhưng một lần, nhân có vị bác sĩ của hãng lại khám sức khoẻ cho nhân viên, ông kể bệnh ra và bác sĩ bảo có lẽ ông bắt đầu đau tim. Từ đó ông ta chỉ nghĩ tới tim của mình và mỗi lần thấy nặng nặng ở ngực là tưởng như sắp chết đến nơi. Ít lâu sau không còn làm việc được nữa, phải nằm liệt suốt một năm. Phải nhờ nhà chuyên môn về tim khám kỹ cho ông nhiều lần, và trị cho, sau cùng ông mới tin rằng cảm giác đè nặng ở ngực đó sự thực chỉ là do làm việc quá sức và lo lắng nhiều, chứ tim chẳng có bệnh tật gì cả.
Muốn tránh những lo lắng như vậy về sức khỏe, mỗi năm một lần hoặc mỗi khi có điều gì lo ngại, bạn nên nhờ một y sĩ đứng đắn xét kỹ tất cả các bộ phận cho. Rồi nếu không có gì thì đừng nghĩ tới nó nữa.
Những người ít đau vì cảm xúc chính là những đàn bà nông dân, có chín mười đứa con, làm việc quần quật suốt ngày trong nhà lại còn tiếp tay chồng con trong công việc đồng áng nữa. Làm việc không kịp thở, còn thì giờ đâu mà lo lắng; săn sóc cho người thân không xuể còn thì giờ đâu mà nghĩ đến thân mình? Có lần tôi hỏi bà có bao giờ thấy mệt không, bà ta đáp: “Cậu em nè, hai mươi năm nay tôi không hề tự hỏi câu đó.”
Đừng nghĩ tới nó, đó là phương thuốc thần diệu nhất để trị chứng mệt mỏi.
3) Tập yêu công việc của bạn
Chắc bạn cũng như hầu hết mọi người, phải làm việc để mưu sinh. Sự làm việc cũng như mọi yếu tố khác không thể tránh được trong đời, rán yêu nó đi còn hơn ghét bỏ nó để rồi sinh ra mọi sự bất mãn.
Kẻ nào oán ghét công việc làm, miễn cưỡng làm một cách chán nản, khó chịu, thì là bắt đầu bị bệnh rồi đấy. Khi một bệnh nhân của tôi bảo không thích công việc đương làm thì tôi thường khuyên kiêm một việc khác thích hơn mà làm. Nhưng tôi thường nhận thấy rằng đổi việc rồi, người đó cũng vẫn không thích gì hơn việc trước. Thì ra chỉ tại người đó sợ làm việc. Biết yêu công việc, tìm thấy cái vui bình dị trong sự giúp ích xã hội, thì sẽ có những cảm giác khoan khoái trong tất cả thời gian làm việc. Làm việc là một cách trị bệnh, và yêu công việc là phương thuốc thần diệu nhất để trị những bệnh do cảm xúc sinh ra.
4) Yêu người chung quanh và tiếp tay vào công việc của nhân loại.
Người ta không thể tưởng tượng được rằng có vô số người đau những bệnh tinh thần vì họ ghét hết thảy mọi người, ghét từ vị Tổng thống mà họ không bao giờ được gặp mặt cho tới mặt cho tới người láng giềng mà họ ước gì khỏi phải gặp mặt. Họ “nan du” mà hóa ra cô độc, rồi than thân trách phận, tự cho là bị ngược đãi; họ sống ưu uất, khốn khổ.
Tiếp tay vào công việc của nhân loại, giúp một phần vào sự gắng sức của mọi người để cải thiện xã hội là một cái vui kích thích nhất của đời sống, nó làm cho tinh thần ta được quân bình, sức khỏe ta được dồi dào.
5) Tập thói vui tính
Trong đời không thiếu gì những lúc mà tỏ ra vui tính, hài hước là có lợi. Vậy mà có những kẻ phàn nàn về mọi thứ; thuế má thì nặng, chính trị thì tai hại; rồi la rầy tất cả những kẻ dưới. Bọn càu nhàu đó sớm muộn gì cũng phải tới phòng bác sĩ. Trái lại, tôi biết nhiều nhà kinh doanh công việc bề bộn mà vẫn vui vẻ tươi tỉnh như một em gái chạy nhảy ngoài đường.
Trong đời sống gia đình nên khuyến khích thói chuyện trò vui vẻ. Đó là một điều đặc biệt quan trọng. Bữa cơm đừng nên kể những chuyện lo lắng, chán đời, tố cáo cái xấu của người, như vậy không có lợi cho người thân, cho ta và cho bộ tiêu hóa của ta.
6) Cương quyết đương đầu với các nỗi khó khăn trong đời.
Trong số hàng ngàn vấn đề lặt vặt hàng ngày, tất nhiên bạn không thể giải quyết hết thảy một cách hoàn hảo được. Vậy thì đôi khi nên chịu lầm lỗi, chịu thua đi, đừng nghĩ ngợi hoài về nó mà nhất định đòi giải quyết cho kỳ được, gặp trường hợp như vậy, hoàng kim quy tắc là bạo dạn quyết định đi, cách nào cũng được, rồi đừng nghĩ tới nữa.
7) Hưởng cái vui hiện tại
“Có kẻ luôn luôn sống trong sự chờ đợi, mong sẽ xảy ra cái gì, như vậy là làm mất cái thú vui hiện tại. Học sinh trung học mong mỏi đến lúc lên đại học, lên đại học lại mong tới lúc thành kỹ sư. Khi làm kỹ sư lại tưởng rằng lập gia đình rồi mới có hạnh phúc, và suốt đời chỉ mong mỏi những cái sẽ tới. Lúc già hết mong mỏi gì nữa, mới nhớ lại những niềm vui đã nhưng trễ rồi!
Chỉ trong hiện tại là chúng ta mới thực sống. Ta chỉ có thể hưởng cái hiện tại được thôi. Tôi nhận rằng cũng nên dự tính tương lai nhưng nhìn xa quá thì chỉ thêm lo ngại, chóng mặt”.
♦♦♦
Bảy lời khuyên đó tuy có vẻ bình dị nhưng hiệu nghiệm vô cùng mà cũng rất khó thực hành, khó hơn tất cả các môn học cổ kim. Có tú tài rồi, một người thông minh trung bình chỉ học mười năm là đậu được những bằng cấp cao nhất trong bất kỳ ngành nào. Nhưng có những người rất thông minh từng trải mà suốt đời vẫn không thực hành được bảy lời khuyên đó: chứng cớ là Nã Phá Luân, khi bị đày ở đảo Sainte Hélène oán trời trách người, ưu uất đến nỗi bị ung thư mà chết hồi mới 52 tuổi. Rồi Tolstoi, Kipling... và vô số danh nhân khác nữa. Họ thiếu tinh thần tự chủ và đạt quan.
Tóm lại, muốn giữ gìn sức khỏe, bạn:
- Nên vận động mỗi ngày ít nhất là mười lăm phút, vừa vận động vừa thâm hô hấp.
- Nên lập một sổ sức khỏe và đọc các sách phổ thông về y học để tìm hiểu cơ thể của bạn mà đề phòng bệnh tật.
- Nên làm quen một y sĩ đứng đắn.
- Và rán theo bảy lời khuyên của John Schindler mà tôi lặp lại một lần nữa ở dưới đây vì tính cách rất quan trọng của nó:
1. Ráng hưởng những thú vui bình dị của đời sống.
2. Đừng để cho bệnh tật nó ám ảnh ta.
3. Tập yêu công việc của mình.
4. Yêu người chung quanh và tiếp tay vào công việc của nhân loại.
5. Tập thói vui tính.
6. Cương quyết đương đầu với những nỗi khó khăn trong đời.
7. Hưởng cái vui hiện tại.
Xem thêm